Nỗ lực đưa nghị quyết vào cuộc sống
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Ninh lần thứ XXI, các chỉ số phát triển đạt được đã khẳng định quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân trong việc hiện thực hóa khát vọng phát triển quê hương.
Tự soi các hạn chế
Với tinh thần đổi mới, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả và sớm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Ninh nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống, Huyện ủy đã ban hành Chương trình hành động xác định 7 chương trình trọng tâm để tập trung thực hiện.
Theo Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh, ước thực hiện đến cuối năm 2023 cơ bản đạt và vượt kế hoạch 5 nhóm chỉ tiêu phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Trong đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, có tính bứt phá; với giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm 47,97%; thương mại - dịch vụ chiếm 38,46%; còn nông - lâm - thủy sản chiếm 13,57%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm 15,6%.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 54,25 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Thu phát sinh kinh tế tăng bình quân hằng năm 11,97%. Có 99% dân số tham gia bảo hiểm y tế toàn dân.
Địa phương không còn hộ nghèo (trừ đối tượng bảo trợ xã hội). Ở lĩnh vực xây dựng Đảng, đến nay đã kết nạp được 193/300 đảng viên, đạt 65,33% chỉ tiêu nghị quyết đề ra; trên 90% tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức đảng yếu kém.
Vừa qua, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết của Đảng, với tinh thần tự soi, tự sửa, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế còn tồn tại trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý điều hành Nhà nước trên các lĩnh vực.
Ông Huỳnh Xuân Chính - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nhìn nhận, việc nắm tình hình và tham mưu giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân tại một số cấp ủy chưa kịp thời. Vai trò tiền phong, gương mẫu cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa được phát huy.
Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cấp ủy chưa chú trọng những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm. Việc khắc phục các khuyết điểm, sai phạm qua kết luận kiểm tra, giám sát ở một số tổ chức cơ sở đảng còn chậm, chưa nghiêm túc.
Phú Ninh là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), song đến nay việc thực hiện các tiêu chí huyện NTM và huyện NTM nâng cao còn gặp nhiều lúng lúng, nguồn vốn xây dựng NTM mới giải ngân chậm…
Nâng chất lượng xây dựng NTM
Đánh giá cao kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện Phú Ninh lần thứ XXI, lãnh đạo sở ngành, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn và gợi ý nhiều vấn đề để Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh nghiên cứu bổ sung nhóm giải pháp thực hiện hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu vào cuối nhiệm kỳ.
Tựu trung, các ý kiến đều cho rằng, Phú Ninh là huyện đầu tiên hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2015. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí bị tụt chất lượng. Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính, là huyện đầu tiên hoàn thành xây dựng NTM, nhưng bây giờ điều kiện thực tiễn của Phú Ninh còn nhiều khó khăn, nên đặt vấn đề có sự phát triển đặc thù để tập trung nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Việc xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu của huyện cần hướng đến lựa chọn yếu tố đặc thù, khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có.
“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có bứt phá, nhưng chưa bài bản như nhiều địa phương khác, huyện cũng không đặt nặng về vấn đề chuyển dịch mang tính tổng hợp mà nên hướng đến xây dựng một số đề án, mô hình điển hình, như phát triển du lịch sinh thái gắn với kinh tế vườn, trang trại. Hồ Phú Ninh còn rất nhiều dư địa để phát triển du lịch” - ông Phong nói.
Phân tích về sự “tụt hậu” nhiều tiêu chí xây dựng NTM của Phú Ninh so với các địa phương, như Điện Bàn, Duy Xuyên, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, Trung ương không hỗ trợ kinh phí xây dựng NTM nâng cao. Ngân sách tỉnh chỉ cân đối được 630 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với giai đoạn trước.
Tìm nguồn hỗ trợ ở đâu như đề xuất 422 tỷ đồng của Phú Ninh thì các ngành tài chính, KH-ĐT cần hướng dẫn. Song, địa phương phải lựa chọn tiêu chí nào để nâng cao mới là quan trọng, nhằm không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân ở vùng nông thôn. Trong tiêu chí phát triển kinh tế, huyện cần nghiên cứu kỹ các cơ chế chính sách của HĐND tỉnh đã ban hành về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó, có kinh tế vườn, trang trại; đẩy mạnh liên hết sản xuất…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang lưu ý, Phú Ninh cần rà soát một số chỉ tiêu quan trọng đã đạt ở mức độ nào, trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo và có những giải pháp thực hiện hoàn thành vào nửa nhiệm kỳ còn lại. Chất lượng xây dựng NTM của huyện chưa đạt như sự kỳ vọng, các tiêu chí bị lạc hậu rất nhiều so với yêu cầu phát triển hiện nay.
Trong điều kiện ngân sách, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ để Phú Ninh có nguồn lực duy trì, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong định hướng đầu tư phát triển của Phú Ninh phải luôn tính đến yếu tố liên kết vùng phía nam của tỉnh. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công… cũng cần được thực hiện quyết liệt trong thời gian đến.