Hội An bảo tồn, phát triển nghề truyền thống

PHAN SƠN 22/05/2023 11:36

Chuỗi sự kiện trại sáng tác “Không gian sáng tạo Hội An” và Nét hoa nghề Hội An lần thứ 2 tại TP.Hội An đã mang đến cho người dân và du khách nhiều trải nghiệm thú vị, góp phần bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn thành phố, hướng đến thành phố sáng tạo toàn cầu.

Du khách thích thú tìm hiểu về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Hội An. Ảnh: Phan Sơn
Du khách thích thú tìm hiểu về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Hội An. Ảnh: Phan Sơn

Chú trọng yếu tố sáng tạo

Nằm trong chương trình sự kiện Nét hoa nghề Hội An lần thứ 2, TP.Hội An tổ chức Hội thi “Sáng tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ” với chủ đề “Quà tặng du lịch Hội An.

Tại vườn tượng An Hội, 50 nghệ nhân, tác giả trên địa bàn TP.Hội An và một số địa phương trong tỉnh đã tham gia chế tác những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ngành nghề như mộc, gốm, đan sợi ngô đồng, dệt thổ cẩm, đúc đồng, mây tre đan… Đây cũng là không gian trình nghề, qua đó quảng bá, giới thiệu những nét độc đáo, giá trị của sản phẩm nghề và làng nghề truyền thống tại Hội An, Quảng Nam.

Anh Nguyễn Viết Lâm, khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà cho biết: “Mình mang đến hội thi lần này sản phẩm lồng đèn gốm và sản phẩm biểu tượng Chùa Cầu bằng gốm. Riêng lồng đèn gốm du khách vừa có thể mua về để kỷ niệm chuyến thăm Hội An vừa có thể sử dụng được. Qua đó, giới thiệu thêm về làng gốm Thanh Hà cũng như để mọi người biết thêm làng gốm hôm nay có nhiều sản phẩm mới, hiện đại hơn, phù hợp với thị hiếu”.

Những sản phẩm mới, đặc trưng và được kết nối với du lịch sẽ là hướng đi để bảo tồn và phát triển làng mộc Kim Bồng. Ảnh: Phan Sơn
Những sản phẩm mới, đặc trưng và được kết nối với du lịch sẽ là hướng đi để bảo tồn và phát triển làng mộc Kim Bồng. Ảnh: Phan Sơn

Hướng đến bảo tồn và phát triển các nghề, làng nghề truyền thống, hội thi lần này được TP.Hội An chú trọng phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ nghề truyền thống để chế tác ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới lạ, có giá trị thẩm mỹ; thể hiện được đặc trưng văn hóa, làng nghề, con người Hội An, Quảng Nam để phát triển thành những sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm của các nghề thủ công truyền thống.

“Chúng tôi mong muốn qua cuộc thi này sẽ có những sản phẩm lưu niệm mang thương hiệu của Hội An và Quảng Nam để phục vụ du khách. Việc duy trì, gìn giữ các nghề, làng nghề thủ công ở truyền thống ở Hội An cũng sẽ đi theo xu thế chung là gắn với hoạt động du lịch” - ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

Hướng tới thành phố sáng tạo

Hiện nay, TP.Hội An đang xây dựng hồ sơ tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO” trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Hướng tới mục tiêu này, những không gian sáng tạo đã được TP.Hội An tổ chức để tạo tiền đề và khơi gợi ý tưởng sáng tạo nghệ thuật trong cộng đồng. Những ngày qua, kiến trúc sư (KTS) trên khắp cả nước đã hội tụ về Hội An để tham gia trại sáng tác “Không gian sáng tạo Hội An”.

Từ những sản phẩm gốm của làng gốm Thanh Hà hay cảm hứng từ kỹ thuật tinh xảo của nghề mộc Kim Bồng, qua sự sáng tạo của các nghệ sĩ, KTS đã mang đến góc nhìn và sự cảm nhận mới lạ trong từng sản phẩm.

Anh Đặng Tuấn Trung - KTS đến từ TP.Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi tham gia hoạt động này bởi sự đam mê cũng như rất trân trọng giá trị của làng nghề và những người dân ở đây đã gìn giữ được nghề truyền thống. Cá nhân tôi cảm thấy rất vui vì được gặp gỡ nhiều KTS và cùng nhau tham gia hoạt động một cách nhiệt huyết. Qua đó, chúng tôi cũng như người dân ở đây đều đồng cảm và muốn hướng đến vừa giữ gìn được giá trị truyền thống và làm cho nó sinh động lên, phát triển lên”.

Trại sáng tác “Không gian sáng tạo Hội An” năm 2023 được TP.Hội An tổ chức từ ngày 12 - 19/5. Các chủ đề sáng tác được gắn với từng địa điểm tổ chức gồm “Sáng tạo trên nền di sản” tại vườn tượng An Hội, “Gốm - Khơi nguồn sáng tạo” tại Công viên đất nung Thanh Hà và “Cảm hứng làng Mộc” tại Làng củi lũ (Cẩm Hà).

“Các không gian sáng tạo sẽ là sân chơi để kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa nghệ sĩ với nghệ nhân. Quá trình làm, chúng tôi cũng hướng đến làm sao để nghệ nhân các làng nghề tiếp cận được với hội họa, điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt để ứng dụng vào sản phẩm” - ông Lê Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hội An nói.

Trong bối cảnh hiện nay, làm mới các sản phẩm dựa trên những giá trị vốn có và gắn với hoạt động du lịch sẽ là hướng đi phù hợp để góp phần bảo tồn, phát triển các nghề thủ công truyền thống ở Hội An, hướng đến xây dựng thành phố văn hóa, sinh thái, du lịch phát triển bền vững.

PHAN SƠN