Ban Giao vận Quảng Đà - ngày hội ngộ

VĨNH LỘC 19/05/2023 06:23

Những cái ôm siết chặt, những cái nắm tay không rời, nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt nhăn nheo vì năm tháng..., gần 800 chàng trai, cô gái Ban Giao vận Quảng Đà năm xưa không giấu được niềm vui hội ngộ. Dù dấu vết thời gian đã hằn lên mái tóc nhưng không thể xóa đi sự hồn nhiên, tươi trẻ của một thời thanh xuân đầy gian khổ, tự hào. Tất cả kỷ niệm ùa về, nối tiếp qua từng câu chuyện tưởng chừng không dứt trong ngày gặp mặt, hôm 17/5.

Sau 55 năm gặp nhau ai cũng mừng vui, xúc động. Ảnh: V.L
Sau 55 năm gặp nhau ai cũng mừng vui, xúc động. Ảnh: V.L

Tự hào tuổi thanh xuân

Bà Thái Thị Sanh (75 tuổi), quê xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên thoáng thấy ông ông Lê Trung Thành (85 tuổi) từ xa vội vàng bước đến, đột ngột ôm nửa người ông Thành nói hóm hỉnh: “Người yêu tôi đây rồi”. Ông Thành đáp lại bằng cái choàng tay qua vai bà Sanh cười móm mém phô ra nửa hàm răng chỉ còn nứu lợi.

Ông Thành, bà Sanh là những đồng đội cũ cùng công tác tại Ban Giao vận Quảng Đà trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1972 bà Sanh tham gia Ban Giao vận Quảng Đà mở tuyến đường Thạnh Mỹ - Bến Giằng – ngã ba Khâm Đức (dài 26km) nối thông đường Hồ Chí Minh đến chiến trường Quảng Đà. Với bà, đó là những năm tháng gian khổ nhưng rất đỗi tự hào. Mặc dù đói rét, bệnh tật nhưng đồng đội, đồng chí luôn đùm bọc, chia sẻ nhau như một gia đình.

Sau ngày giải phóng bà tiếp tục đi học bổ túc mãi đến năm 1982 mới về quê. “Tuy một số anh em sinh sống trong tỉnh nhưng tuổi già, sức yếu, điều kiện đi lại khó khăn không thể thăm viếng nhau được, nên mỗi lần gặp mặt ai cũng vui mừng, nôn nao như lần đầu (Ban Giao vận tổ chức gặp mặt 5 năm một lần - PV). Tụi tôi ai cũng lớn tuổi rồi, chưa biết sống chết khi nào, do đó mỗi lần gặp mặt đều như lần cuối bởi không biết 5 năm nữa ai còn ai mất” - bà Sanh tâm sự.

Quảng Đà - ngày hội ngộ Ảnh: V.L
Quảng Đà - ngày hội ngộ Ảnh: V.L

Trong số khoảng 800 thành viên tham dự buổi kỷ niệm 55 năm thành lập Ban Giao vận Quảng Đà, người lớn nhất tuổi 92, người trẻ nhất cũng đã 70 tuổi. Gặp lại, ai cũng vui mừng khôn xiết, tay bắt mặt mừng, líu tíu hỏi thăm nhau về gia đình, sức khỏe, cuộc sống tuổi già; thỉnh thoảng bắt gặp những đôi mắt đỏ hoe, những cái nhìn lặng yên khi nhắc về đồng đội cũ. Ông Alăng Dền (70 tuổi, sống tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) bày tỏ, những năm tháng tham gia Ban Giao vận là quãng thời gian tươi đẹp và rất đỗi tự hào của tuổi trẻ.

Vì vậy, buổi gặp mặt không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống đơn vị mà còn giúp ông có thêm động lực để sống vui, sống khỏe cùng con cháu. “Bây giờ tất cả chúng tôi đều lớn tuổi hết rồi, cứ sau mỗi lần họp mặt lại thiếu vắng vài người, nên bây giờ chỉ cần nhìn thấy anh em, đồng chí năm xưa còn khỏe mạnh là tôi vui mừng lắm” - ông Alăng Dền chia sẻ.

Trong chiến tranh, đội ông Dền có gần 30 thành viên nam nữ, đóng quân tại Thạnh Mỹ, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 1972 – 1975 đội ông tham gia mở đường thông tuyến từ Thạnh Mỹ lên Bến Giằng giúp tiếp nhận lương thực, vũ khí về đồng bằng. Tiếp đến, mở đường Thắng Lợi từ Thạnh Mỹ xuống Đại Lộc, đường Quyết Thắng từ Túy Loan lên Prao (Đông Giang)… Gặp mặt lại đồng đội cũ, nhất là những thành viên Đội 3 năm xưa biết ai cũng khỏe mạnh, bình an, ông Dền không giấu được niềm vui...

Giữ vững khí tiết

Tháng 5/1965, do yêu cầu phục vụ chiến đấu, Hội đồng cung cấp tiền phương được thành lập, đến ngày 21/4/1968, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định chuyển lực lượng nòng cốt của Hội đồng cung cấp tiền phương thành Ban Giao vận Quảng Đà với yêu cầu cơ động hơn, tập trung củng cố các hành lang, các đội vận tải, các bến đò, kho tàng, bến bãi, các trạm tải thương… Suốt những năm tháng chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Ban Giao vận Quảng Đà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lập nhiều thành tích vẻ vang. Mở nhiều tuyến đường kết nối căn cứ kháng chiến Quảng Đà với đường mòn Hồ Chí Minh nhằm nhận viện trợ từ hậu phương.

Riêng trong 2 năm 1973 – 1974 và đầu năm 1975, vượt qua gian khó, thiếu thốn, bằng ý chí và sức người, Ban Giao vận Quảng Đà đã mở nhiều tuyến đường quan trọng để vận chuyển, dự trữ vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm, góp phần vào thắng lợi các chiến dịch giải phóng Nông Sơn, Thượng Đức và giải phóng Đà Nẵng...

Trong dịp kỷ niệm tổ chức tại TP.Đà Nẵng hôm 17/5, ông Nguyễn Đăng Lâm – Trưởng ban liên lạc Ban Giao vận Quảng Đà bộc bạch, những năm tháng hào hùng của Ban Giao vận là khoảng thời gian không bao giờ quên, mãi khắc sâu vào tâm trí mỗi người, từ đó giúp trui rèn ý chí, củng cố niềm tin vào tương lai quê hương, đất nước. “Những chàng trai, cô gái 15, 17 tuổi năm xưa nay chân đã mỏi, mắt đã mờ nhưng lý tưởng vẫn cháy bỏng. Chúng tôi sẽ tiếp nối truyền thống của đơn vị, giữ vững khí tiết hoàn thành tốt mọi công việc tùy vào sức khỏe, tuổi tác tại địa phương, trở thành tấm gương sáng cho cháu con” - ông Nguyễn Đăng Lâm nói.

VĨNH LỘC