Ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội: Hướng đi nào cho phù hợp?
Theo giới chuyên môn, triển vọng và tiềm năng ứng dụng năng lượng nguyên tử trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng là rất lớn, cần được chú trọng.
Những nhìn nhận chung
Theo Cục Năng lượng nguyên tử, những năm qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu.
Điển hình: Ứng dụng bức xạ trong y tế tăng nhanh trên cả 3 lĩnh vực điện quang, y học hạt nhân, xạ trị; nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện thành công ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả trong cuộc chiến chống ung thư và các bệnh hiểm nghèo như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa.
Đến năm 2021, cả nước đã có 42 cơ sở y học hạt nhân phát triển đến tuyến tỉnh, 61 thiết bị xạ hình đạt tỷ lệ khoảng 0,62 máy/triệu dân; 44 cơ sở xạ trị với 101 thiết bị xạ trị đạt tỷ lệ 1,1 thiết bị/triệu dân; gần 4.000 cơ sở khám chữa bệnh có thiết bị X-quang y tế với 9.000 thiết bị; gần 1.000 máy CT và 500 máy chụp cộng hưởng từ đã được trang bị đến bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến huyện.
Sản xuất chất phóng xạ y tế từng bước được tự chủ với năng lực sản xuất trong nước. Vai trò này đã được thể hiện rõ trong bối cảnh COVID-19 vừa qua khi việc nhập khẩu dược chất phóng xạ gặp khó khăn do vấn đề chuỗi cung ứng.
Cũng theo Cục Năng lượng nguyên tử, đến hết năm 2020, Việt Nam đã tạo và đưa vào sản xuất 80 giống cây trồng đột biến (chủ yếu là lúa), góp phần đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập và sinh kế cho nông dân.
Năm 2021, hai nhà khoa học trẻ Việt Nam đã được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) trao giải thưởng tại Cuộc thi về nghiên cứu đột biến giống cây trồng.
Chiếu xạ thực phẩm ở Việt Nam có sự phát triển nhanh do việc mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính nhưng có giá trị cao như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Úc… Việt Nam có 9 cơ sở chiếu xạ quy mô công nghiệp với 16 thiết bị chiếu xạ. Thành quả của ứng dụng năng lượng nguyên tử còn thể hiện trên lĩnh vực công nghiệp và trên lĩnh vực tài nguyên - môi trường với những kết quả nổi bật...
Tại Quảng Nam, theo Sở KH-CN, hoạt động quản lý nhà nước về an toàn bức xạ thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động an toàn bức xạ đối với X-quang y tế đi vào nền nếp, kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh được Bộ KH-CN phê duyệt và đã triển khai diễn tập theo các kịch bản được phê duyệt.
Kế hoạch quan trắc bức xạ giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai với mục tiêu xây dựng mạng lưới quan trắc phóng xạ và số liệu phông phóng xạ toàn tỉnh. Tuy nhiên, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển các ngành kinh tế - xã hội của tỉnh còn mới mẻ. Cần tập trung vào các kết quả ứng dụng phổ biến, hiệu quả của năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực trọng tâm như: nông nghiệp, sinh học, bảo quản thực phẩm, y tế, thủy lợi và thủy điện.
Triển vọng với nông nghiệp
TS. Nguyễn Minh Hiệp - công tác tại Trung tâm Công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học, thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân, chia sẻ, trong lĩnh vực nông nghiệp, đã ứng dụng công nghệ bức xạ, nano, công nghệ sinh học vào xử lý đất, giống, phân bón, kích thích sinh trưởng, bảo vệ thực vật, bảo quản nông sản, chế phẩm bổ sung thức ăn chăn nuôi, ứng dụng trong công nghệ chiếu xạ thực phẩm.
Tại Quảng Nam có thể hợp tác ứng dụng công nghệ trên vào lĩnh vực nông nghiệp, bảo quản nông sản, chế biến các loại chế phẩm từ quế Trà My; hợp tác phát triển các cảm biến sinh học ứng dụng trong nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập số liệu nội tại về nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây ở các thời điểm trọng tâm.
Có thể hợp tác, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong xây dựng mô hình trồng rau sạch, bền vững và thông minh cho một số loại cây trồng đặc trưng từ các sản phẩm đã được phát triển, tiến đến xây dựng vùng trồng hữu cơ bền vững.
Hay sử dụng chế phẩm sinh học trong chế biến sản phẩm từ quế (thực phẩm, y học), trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn hữu cơ (VietGap, Global Gap, GACP, WHO), dược liệu, rau củ quả theo tiêu chuẩn hữu cơ, chất lượng sản phẩm tăng, góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Phan Việt Cương - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (tại Đà Nẵng) chia sẻ, tiềm năng ứng dụng công nghệ chiếu xạ trong kiểm dịch trái cây và giảm nhiễm vi sinh vật gây hại trong thực phẩm là rất lớn. Đây là hướng đi nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Việc ứng dụng công nghệ chiếu xạ trong kiểm dịch trái cây và rau tươi được triển khai tại nơi xuất xứ hoặc khi đến nước nhập khẩu.
Ngoài ra, theo TS. Phan Sơn Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, tại Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng có thể ứng dụng năng lượng nguyên tử trong khảo sát bồi lấp lòng hồ thủy điện, thủy lợi bằng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị.
Cụ thể: khảo sát xói mòn đất canh tác và tác động; khảo sát bồi lắng lòng hồ, xác định tốc độ trầm tích hồ bằng đồng vị phóng xạ; nghiên cứu nguồn gốc trầm tích, nghiên cứu xói mòn, bồi tụ ven biển, bảo vệ các công trình thủy điện. Từ nghiên cứu xói mòn, bồi tụ ven biển, dự báo xu thế biến động trầm tích, dự báo xu thế thay đổi địa hình đáy vùng khảo sát trong tương lai...