Nam Trà My thiếu hụt cán bộ
(QNO) - Nhiều cán bộ chuyển công tác ra khỏi địa bàn khiến Nam Trà My thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ cho bộ máy chính quyền cấp xã, huyện.
Đỏ mắt tìm... cán bộ
Ông Lê Thanh Hưng – Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho biết, số lượng biên chế ở khối Đảng, Mặt trận, đoàn thể của huyện được giao năm 2023 là 53 người. Tuy nhiên, thời điểm này đã sử dụng 44, còn thiếu 9.
Đối với các cơ quan hành chính cấp huyện đang sử dụng 73/90 biên chế; còn cấp xã là 73/101 công chức. Đáng chú ý, ở ngành giáo dục, toàn huyện đang sử dụng 491/826 cán bộ giáo viên, tức là thiếu 335 người. Mới nhất, trong đợt thi tuyển cán bộ viên chức diễn ra đầu năm nay, có 93 người trúng tuyển nhưng chỉ hơn 60 người nhận quyết định làm việc.
Việc thiếu hụt cán bộ khiến các cơ quan, đơn vị, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo khối lượng và tiến độ công việc được gia.o Ở một số phòng, ban cấp huyện, do thiếu hụt cán bộ, lãnh đạo phải điều chuyện một số cán bộ có năng lực ở xã lên làm việc. Điều này càng khiến cấp xã loay hoay trong phương án tìm cán bộ thay thế.
Ông Lê Trung Thực – Chủ tịch UBND xã Trà Don thông tin, gần đây cán bộ địa chính – xây dựng được điều chuyển về huyện nên địa phương phải nỗ lực tìm kiếm, thuyết phục cán bộ tốt nghiệp đúng chuyên ngành. Nếu không có người phụ trách, xã sẽ rất khó khăn để triển khai các công trình, dự án trên địa bàn.
“Hiện nay ở xã Trà Don vẫn thiếu 4 biên chế. Công việc cấp xã ngày càng nhiều, cán bộ phải phụ trách thêm nhiều phần việc của số người đang thiếu hụt và áp lực đè nặng lên số cán bộ không chuyên trách. Đáng nói, cán bộ không chuyên trách ở xã giờ làm việc cũng 8 tiếng, nhưng phụ cấp rất thấp, đời sống khó khăn nhưng chúng tôi phải động viên để họ tiếp tục làm việc" - ông Thực nói.
Tương tự tại xã Trà Mai, hiện đang thiếu hụt 3 công chức cấp xã ở các vị trí văn phòng – thống kê, địa chính – môi trường, văn hóa - xã hội. Cùng với đó, năm 2024 sẽ có 1 công chức đến tuổi nghỉ hưu và hàng loạt cán bộ bán chuyên trách không thể tuyển dụng.
Chủ tịch UBND xã Trà Mai Nguyễn Đình Bình phân trần: “Không ai nộp hồ sơ để thi tuyển vào thì qua năm sau chúng tôi không thể kham nổi hết công việc, nhiệm vụ”.
Cần chính sách thông thoáng
Theo ông Lê Thanh Hưng – Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, chuyện thiếu hụt cán bộ trên địa bàn do nhiều nguyên nhân như hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, cộng với chế độ đãi ngộ, tiền lương thấp... nên phần lớn cán bộ, công chức, viên chức sau khi được tuyển dụng vào công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc huyện Nam Trà My đều có nguyện vọng thuyên chuyển công tác ra ngoài huyện. Qua rà soát từ năm 2015 đến nay có tổng cộng 293 trường hợp thuyên chuyển công tác ra ngoài địa bàn huyện.
Hằng năm, số lượng cán bộ nghỉ hưu nhiều nhưng công tác tuyển dụng chưa được kịp thời và Trung ương, tỉnh không cho cơ chế cấp huyện được hợp đồng lao động nên dẫn đến hụt hẫng cán bộ ở huyện này.
“Các năm qua, UBND tỉnh chỉ tổ chức 2 đợt tuyển dụng công chức cấp huyện, chưa tổ chức tuyển dụng đối với các đơn vị sự nghiệp khác dẫn đến tình trạng thiếu viên chức làm việc. Từ năm 2020 đến nay là thời gian đỉnh điểm thiếu trầm trọng, chúng tôi cần đến 200 cán bộ, công chức cấp xã, huyện nhưng chỉ có 100 hồ sơ nộp thi tuyển và đạt có 90 chỉ tiêu” – ông Hưng nói.
Một yếu tố nữa là chính sách, phụ cấp cho cán bộ địa phương đã có sự thay đổi nên rất khó khăn trong chuyện tuyển dụng nhân lực. Xã Trà Mai đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn nên cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các phòng, ban, ngành cấp huyện không còn được hưởng các chế độ chính sách, phụ cấp theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong khi đó, nguồn thu nhập tăng thêm không có, giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống tăng cao, chi phí đi lại tốn kém… nên với mức lương, phụ cấp hiện hành, nhiều cán bộ chật vật trang trải đời sống.
“Không có cơ chế xét tuyển cho người Kinh trong khi đồng bào dân tộc thiểu số khó đáp ứng các tiêu chí cần. Nên chúng tôi rất mong cho cơ chế xét tuyển không phân biệt dân tộc miễn là có chuyên môn đúng vị trí việc làm cần tuyển dụng. Và nếu tuyển dụng là người dân tộc thiểu số, người tại địa phương này thì tiêu chuẩn “mềm” hơn, chỉ cần phù hợp theo thực tế nhu cầu của xã chứ đừng quy định các chuyên ngành cụ thể cho từng vị trí việc làm. Làm như vậy còn để giải cả bài toán luân chuyển cán bộ giữa các bộ phận nội bộ trong đơn vị” – Chủ tịch UBND xã Trà Mai Nguyễn Đình Bình đề xuất.
Ông Lê Thanh Hưng đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiến nghị với Trung ương có cơ chế tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển đối với sinh viên người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 138 ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Đồng thời, cho phép huyện được ký hợp đồng lao động đối với sinh viên có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với đề án vị trí việc làm và không vượt so với số lượng biên chế tỉnh giao để kịp thời có nguồn nhân lực thay thế.
“Mức phụ cấp chi trả cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã thấp nên không thu hút được sinh viên vào công tác, vì vậy, nên chăng xem xét nâng mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo bằng mức lương tối thiểu vùng để cán bộ ổn định cuộc sống, yên tâm công tác” – ông Hưng kiến nghị thêm.