Giúp nông dân làm kinh tế

CÔNG TÚ 16/05/2023 12:09

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các cấp Hội Nông dân huyện Đông Giang còn vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả.

Mô hình trồng chuối xen canh lá dong, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò của hộ Bhnướch Thị Crứt. Ảnh: C.T
Mô hình trồng chuối xen canh lá dong, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò của hộ Bhnướch Thị Crứt. Ảnh: C.T

Hỗ trợ thiết thực

Tại xã Zà Hung, dự án khởi nghiệp trang trại dê rừng thảo dược Đông Giang với sự phối hợp tư vấn, hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Đông Giang đã thành hình. Các cấp hội nông dân còn hướng dẫn thành lập 6 tổ hợp tác, 11 mô hình câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh cùng loại sản phẩm, thêm 3 chi hội nông dân nghề nghiệp ra đời... Con số nêu trên là kết quả của quá trình vận động, hướng dẫn, hỗ trợ của tổ chức hội trong nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Nhiệm kỳ qua, Hội Nông dân huyện Đông Giang hướng dẫn nông dân đăng ký và phối hợp các ngành chức năng của huyện đánh giá, xét chọn 15 sản phẩm của 15 chủ thể tham gia dự thi đánh giá, phân hạng OCOP cấp tỉnh: chuối sấy dẻo, măng nứa sấy khô, nghệ đen, trà hoa hồng, sâm cau sấy khô, viên nén tinh bột nghệ, khay trà mây, ớt A riêu (nâng hạng 4 sao)… Hội còn đề xuất xây dựng thương hiệu tập thể sản phẩm “Chuối mốc Đông Giang” và “Ka Kun Đông Giang”, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận.

Theo ông Lê Duy Thắng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đông Giang, các mô hình kinh tế hiệu quả được xây dựng, nhân rộng đã tạo thu nhập ổn định cho nông dân. Để có điểm sáng này, hội nông dân các cấp phối hợp với ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các mô hình kinh tế tập thể; mở 125 lớp tập huấn, hướng dẫn cho 3.257 lượt người dân áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản...

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Giang - ông Nguyễn Hữu Sanh chia sẻ, nhiệm kỳ qua, việc xây dựng các mô hình khuyến nông được quan tâm phối hợp thực hiện. Điển hình như phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang đào tạo, tập huấn và thông tin tuyên truyền; chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây, con giống; hướng dẫn và xây dựng các mô hình trình diễn về sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp để nông dân học tập. Đối với nông dân nghèo, các cấp hội còn vận động nguồn lực trao bò giống sinh sản, hỗ trợ dụng cụ lao động, cây giống cho 30 hộ làm phương tiện sinh kế.

Hội Nông dân huyện đã giải ngân 995 triệu đồng cho 43 hộ vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân (tổng nguồn hơn 1,7 tỷ đồng). Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT tiếp tục giải ngân cho hàng nghìn hội viên nông dân. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế do nông dân thực hiện hình thành, cải thiện đáng kể thu nhập. Đơn cử, mô hình nuôi gà thả vườn, dê bán chăn thả ở xã Jơ Ngây; trồng chè dây, hoa hồng (xã Tư), nuôi heo đen (xã A Rooi, xã A Ting); trồng cây ăn quả, nuôi bò (xã Ba); trồng nghệ đen, đan mây tre (xã Sông Kôn)...

Nông dân xã Sông Kôn được hướng dẫn thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm từ cây nghệ đen. Ảnh: CT
Nông dân xã Sông Kôn được hướng dẫn thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm từ cây nghệ đen. Ảnh: CT

Sản xuất giỏi

Sinh sống tại thôn Prao (thị trấn Prao), song hộ bà Bhnướch Thị Crứt vẫn được nhiều người dân ở thôn Panai (xã Tà Lu) biết đến và thán phục vì tinh thần chịu thương chịu khó, ham học hỏi và dám nghĩ dám làm. Bởi lẽ, gia đình này đã đến Tà Lu mua, thuê đất để trồng chuối mốc xen canh lá dong, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò, trồng 15ha keo. Không chỉ thoát nghèo, hộ bà Crứt còn được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Việc áp dụng mô hình trồng chuối cấy mô, chăn nuôi heo, dịch vụ và trồng rừng đã giúp hộ ông A Lăng Bi ở thôn Ra lang (xã Jơ Ngây) vươn lên trong cuộc sống. Còn hộ ông Phạm Quốc Phòng, trú thôn Pa nan (xã Tư) đạt thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm nhờ trồng 30 nghìn cây chè dây bản địa sử dụng phân bón hữu cơ, hàng trăm gốc hoa hồng để chế biến thành chè và trà hoa hồng (sản phẩm OCOP hạng 3 sao) cung cấp cho thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Sanh cho biết, 3 hộ trên nằm trong số 1.132 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 289 hộ so với đầu nhiệm kỳ. Những hộ này xứng đáng là tấm gương tiêu biểu khi biết phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng đất đai, lao động. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, vận dụng hiệu quả nguồn vốn, họ đã triển khai các mô hình sản xuất mang về doanh thu mỗi năm từ 135 triệu đồng đến hơn 650 triệu đồng. Các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã bước đầu liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Lê Duy Thắng, một việc làm thiết thực của các cấp hội nông dân là vận động hội viên giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Chẳng hạn, hội phát huy nguồn lực từ hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cùng với tinh thần tương thân tương ái, hăng hái thi đua sản xuất nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ để giúp đỡ gia đình chính sách, hộ nghèo về vốn, khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm. Thông qua đó, người dân dần nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập, ổn định việc làm nên góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo. Nhờ vậy, nhiệm kỳ qua, 11 cơ sở hội trên địa bàn đã giúp 110 hộ nông dân thoát nghèo (đạt 120% chỉ tiêu nghị quyết đề ra).

CÔNG TÚ