Dư địa xúc tiến du lịch thị trường miền Nam
(VHQN) - Các tỉnh thành phía nam, nổi bật là TP.Hồ Chí Minh giàu tiềm năng, để ngành du lịch Quảng Nam cùng các bên liên quan nỗ lực xúc tiến thu hút đầu tư và đa dạng hóa thị trường.
So với thời điểm trước năm 2019, du lịch Quảng Nam đang có sức hút rất khá với khách nội địa khi đứng thứ 8/15 điểm đến được khách trong nước yêu thích nhất - theo khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB). Kết quả nghiên cứu khách nội địa của TAB vào năm 2022 cũng cho thấy, tỷ lệ khách ở thị trường Hà Nội và khu vực miền Bắc vượt trội so với khách ở thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong cơ cấu khách nội địa của Quảng Nam.
Ông Vũ Chiến Thắng - chuyên gia của TAB cho rằng, Quảng Nam cần tiếp tục tăng cường xúc tiến quảng bá xây dựng sản phẩm phù hợp, hấp dẫn hoặc cải thiện chất lượng dịch vụ. Qua đó nâng sức hấp dẫn với các thị trường mục tiêu, trong đó có khách ở các tỉnh thành phía nam.
“Có thể yếu tố cần là khách quan tâm nhưng yếu tố đủ là phải giải quyết các điểm nghẽn, tìm hiểu họ lưỡng lự chỗ nào để lựa chọn đến với Quảng Nam nhiều hơn. Để nâng cao sức hút trong quá trình xúc tiến, thu hút du lịch Quảng Nam, địa phương cần phải thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có chất lượng; xây dựng sản phẩm du lịch đủ tốt sau đó mới tiếp thị điểm đến và nhất là chuyển đổi số” - ông Thắng nói.
Từ sau khi dịch COVID-19 lắng xuống, ngành du lịch Quảng Nam cũng đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến trên toàn quốc để tiếp tục đẩy mạnh thu hút khách nội địa. Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Ngành du lịch thời gian qua liên tục tổ chức các đợt xúc tiến, quảng bá ở khắp nơi. Trong đợt quảng bá ở TP.Hồ Chí Minh vào tháng 9/2022, chúng tôi cũng nêu rõ là du lịch Quảng Nam không chỉ có Hội An và Mỹ Sơn mà đang định hướng phát triển du lịch xanh trên phạm vi không gian rộng lớn.
Nhưng điều trăn trở là rất hiếm đơn vị, doanh nghiệp ở khu vực phía nam - nơi có dư địa xúc tiến khai phá du lịch rất rộng mở đồng hành với sở khi đi quảng bá, xúc tiến. Chúng ta không tích cực tham gia, quảng bá thì làm sao họ biết để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư”.
Nông Sơn cũng là địa phương có nhiều tài nguyên phát triển du lịch nhưng chưa tạo được sức bật một phần bởi năng lực nhà đầu tư qua các thời kỳ. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho hay, vừa qua huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức buổi gặp mặt xúc tiến đầu tư tại TP.Hồ Chí Minh, trong đó xúc tiến du lịch cũng là một trong những lĩnh vực trọng tâm.
Nông Sơn đã giới thiệu, kêu gọi đầu tư vào các khu vực có tiềm năng lớn như: Suối nước nóng Sơn Viên, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp trồng rừng gỗ lớn Đại Bường Khương Quế… Nhóm nhà đầu tư mục tiêu mà huyện kỳ vọng là các doanh nghiệp có lãnh đạo là người con quê hương của huyện cũng như các huyện lân cận như Quế Sơn, Hiệp Đức. Một số đơn vị rất ủng hộ và dành sự quan tâm lớn, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu tính khả thi, cơ hội đầu tư.
Khu vực phía nam, nổi bật nhất là TP.Hồ Chí Minh hiện có rất nhiều đơn vị lữ hành quy mô lớn như Saigontourist, Vietravel, Bến Thành, Fiditour, Lửa Việt… Hậu đại dịch COVID-19, với mối liên kết giữa 5 tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, mối hợp tác giữa các đơn vị du lịch ở TP.Hồ Chí Minh với khu vực miền Trung tiếp tục có nhiều chuyển động, góp phần đáng kể vào sự khởi sắc của du lịch nội địa ở khu vực miền Trung hai năm qua.
Theo đại diện Công ty Du lịch Lửa Việt, để tăng cường thu hút đầu tư và sức hút với thị trường khách các tỉnh thành phía nam cũng như nâng cao chất lượng điểm đến thì du lịch Quảng Nam nói riêng cũng như khu vực miền Trung nói chung cần “4 có”. Bao gồm: có thông tin minh bạch, có số liệu cụ thể, có cách làm thiết thực và có người chịu trách nhiệm. Địa phương cũng cần quy hoạch, phát triển thêm điểm dừng chuẩn quốc gia để trải nghiệm, thu hoạch, chế biến, ăn uống, mua đặc sản… thì mới cải thiện doanh thu đầu khách.