Hạ trắng, một vòng tâm tưởng
Ngày lập hạ đã gõ cửa cuối tuần qua, kèm theo lời cảnh báo về một mùa hè “nóng kinh hoàng”. Nhưng từ lâu, có mùa hạ oi bức đã hiển hiện trong văn chương, nghệ thuật và gợi lên nhiều suy tưởng…
1. Trong gia tài sáng tác đồ sộ lên đến hơn 600 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chỉ thấy có ca từ của 13 ca khúc được nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc chọn đăng trong cuốn “Trịnh Công Sơn - Rơi lệ ru người”, một trong những tác phẩm ấn hành để tưởng niệm vị nhạc sĩ tài hoa. Trong số 13 ca khúc ấy, có “Hạ trắng” quen thuộc, vốn được thai nghén từ câu chuyện có thật vào một mùa hè nóng bức.
Mùa hè ở Huế vốn dĩ oi bức “như địa ngục”, lại thêm gió Lào khiến đồ vật và áo quần có cảm giác như vừa rút từ trong lò lửa ra, mặt đường gần như bốc khói với nhiệt độ 42 - 43 độ C. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng kể như thế, và trong một mùa hè nóng bức ông sốt nặng, có người con gái mang bó hoa dạ lý hương màu trắng đến cắm cạnh giường. Chính mùi thơm của hoa đã dắt ông chìm vào giấc mơ, như lạc vào một rừng hoa trắng…
Một tuần sau, hết bệnh, lại hay tin bố người bạn hấp hối nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vội đến thăm. Hỏi ra mới hay, ông cụ ấy chẳng có bệnh gì ngoài nỗi nhớ thương và buồn rầu… Chuyện rằng, vài ngày trước, bà cụ xuống bếp nấu nước pha trà cho chồng như thường lệ thì trúng gió, té ngã, bất tỉnh và qua đời.
Con cái ở gần đó phát hiện liền đưa thi thể mẹ về nhà tẩm liệm, chôn cất. Họ nói dối ông cụ là mẹ sang nhà con để chăm sóc cháu, nhưng chỉ giấu tin buồn được vài ngày. Cho đến khi ông gặng hỏi “có phải mẹ các con đã chết rồi không?”, họ bật khóc. Còn ông, kể từ đó nằm một mình trên sập gụ, cơm không ăn, trà không uống, cho đến khi kiệt sức…
“Câu chuyện này ám ảnh tôi một thời gian. Và sau đó tôi kết hợp giấc mơ hoa trắng mùa hạ với mối tình già keo sơn này như áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau để viết nên bài Hạ trắng”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thuật lại.
2. Bắt gặp hồi ức này, tự dưng “Hạ trắng” trong tôi không còn bó hẹp trong một ca khúc nữa, mà như có một đời sống khác, da diết hơn. Cho đến khi tình cờ nghe một kỳ pháp thoại…
Ấy là lần thiền sư Thích Nhất Hạnh có bài pháp thoại bằng tiếng Việt duy nhất trong khóa tu mùa hè năm 2014 với tăng thân Làng Mai (Pháp) ở xóm Trung, chùa Mai Hoa, chủ đề “Sống sao cho trọn vẹn khi người thương mất?”.
Câu hỏi gửi đến thiền sư khá giống với câu chuyện vợ chồng già ở Huế mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vừa kể. Rằng có hai vợ chồng sống với nhau tương đối hạnh phúc, nay một người qua đời thì người kia làm thế nào để còn đủ năng lượng đi hết đoạn đời còn lại trong an lạc, để không chết vì nhớ thương đau buồn?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhắc cho tăng thân nhớ câu ca “áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” và cũng kể lại đúng những gì mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ xung quanh ca khúc “Hạ trắng”.
Nhưng thiền sư không dừng ở đó. Thiền sư bảo, để trả lời cho câu hỏi mà vị phật tử vừa đặt ra, phải dựa trên sự quán chiếu về sống chết. Như đám mây, khi không còn là đám mây nữa thì vẫn tiếp tục trong hình thức khác: cơn mưa hay bông tuyết.
Chỉ thay hình đổi dạng, chứ không có gì mất đi. Vật chất dưới hình thức này có thể trở thành vật chất dưới hình thức kia, thậm chí có thể biến thành năng lượng. Và năng lượng cũng biến đổi hình thức, cũng có thể trở lại thành vật chất, theo luật nhiệt động học. “Bất sinh bất diệt…”, “Tâm kinh bát nhã” cũng viết như vậy.
Phải quán chiếu, để nhận ra rằng bà cụ trong câu chuyện “Hạ trắng” mất nhưng vẫn còn, vẫn đang tiếp nối ít nhất là trong ông cụ và các con. Ông cụ phải thấy được người vợ đang có mặt ở nơi con cháu, để tiếp tục công việc nuôi dưỡng con cháu. Như những chiếc lá bắp, lá chuối.
Theo thời gian, lá “chị” vàng úa, khô đi nhường chỗ cho lá “em” xanh tươi. Lá chị vàng, khô, nhưng không chết mà tiếp tục có mặt trong những chiếc lá em… Nếu ông cụ thấy được điều đó, sẽ không thấy sự mất mát, sẽ vui sống với con cháu. Cần có tuệ giác để vượt thắng sự cô đơn.
3. Nhưng vẫn còn đó một “Hạ trắng” hồn nhiên trong những trang viết cho độc giả trẻ, hoặc cho những người vẫn chưa muốn rời xa tuổi thơ.
Độc giả vẫn còn nhớ mẩu giấy viết đúng 6 chữ “Gọi nắng trên vai em gầy…”, bỏ trong chiếc hộp màu đen, giấu bên dưới tảng đá xanh trong sân tòa Bạch dinh ở Vũng Tàu. Mấy chữ đó chép từ câu đầu tiên trong bản nhạc “Hạ trắng”.
Lần dò theo “ca từ” ấy, nhóm Quý ròm, Hạnh, Tiểu Long, Mạnh tiếp tục hành trình phá án, tìm đến sân khấu ca nhạc ban đêm để truy xét ai sẽ hát ca khúc của Trịnh Công Sơn, cuối cùng leo lên tượng Thánh George ở Bãi Sau vì cầu thang trong ruột pho tượng khổng lồ dẫn lên bao lơn dựng ngang vai pho tượng.
Và đúng như những “nhà thám tử nghiệp dư” trong nhóm Quý ròm dự đoán, trên vách gần vai pho tượng có những dòng chữ lờ mờ chép 2 câu thơ làm chìa khóa cho một cuộc giải mã để tiếp tục dẫn đến nơi cần đến, mà nhóm Quý ròm đinh ninh là “sào huyệt” của bọn cướp…
Đọc truyện dài “Thám tử nghiệp dư” in trong tập 1 của bộ truyện “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bạn đọc hẳn chưa quên những tình tiết thú vị đó. Nhất là khi kết truyện, độc giả mới nhận có một cuộc thi tài trong trò chơi tìm kho báu hằng năm của nhóm Hải Âu và nhóm Mèo Rừng, và run rủi thế nào nhóm Quý ròm trong lần xuống Vũng Tàu chơi lại tình cờ phát hiện rồi cuốn theo các “mật mã”. Có thể chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên của nhà văn khi chọn câu đầu tiên trong ca khúc “Hạ trắng” để làm sinh động cho câu chuyện phá án của nhóm Quý ròm, nhưng cũng đủ thấy sức hút của nhạc Trịnh ở mọi giới.
Khởi đi từ hồi ức về chuyện đời lên nhạc, rồi đến chuyện nhạc vào pháp thoại, khép lại bởi trang viết hồn nhiên dành cho lứa tuổi học trò, “Hạ trắng” dường như đã đưa người yêu nghệ thuật đi trọn một vòng tâm tưởng. Có những ca từ không chịu “khép” mình trong khuôn khổ một ca khúc, thật kỳ lạ.