Về Tây Giang nhớ... Tây Giang
Chi hội Văn học (Hội VHNT tỉnh) có chuyến thực tế sáng tác vào cuối tháng 4 vừa qua tại Tây Giang với nhiều trải nghiệm thú vị, tạo chất liệu để các nhà thơ, nhà văn trong chi hội tiếp tục có những sáng tác chất lượng trình làng.
1. Hai mươi năm trôi qua thật nhanh, nhưng có thể lại chậm với nhiều người. Về Tây Giang, mới thấy vừa nhanh vừa chậm nếu nhìn sự thay đổi thật sự đầy thuyết phục. Lần đầu tiên tôi lên Tây Giang, chuyến đi về 4 xã khu 7 phải dừng lại ở lưng chừng dãy T’coong ngụ nhờ một làng nhỏ kề bên suối.
Bây giờ, có thể đi đến mọi nơi một cách thuận lợi. Chậm, là ở sự kỳ vọng sớm giàu có và hạnh phúc. Chúng tôi phải loay hoay khá lâu mới tìm lên tới làng Arec, xã A Vương, một xã vùng thấp nhất của Tây Giang. Từ cầu A Vương 1 đi men theo mé sông A Vương đến làng đúng giữa trưa.
Cảm giác đầu tiên là nóng. Cái nóng đầu hạ chói chang phơi lên những mái tôn hầm hập. Không thấy một bóng cây. Ơ hay, bỗng nhớ lời một bài hát thấy cây là thấy rừng. Những nếp nhà dựa vào một dãy núi, gọi là đồi thì đúng hơn, vẫn có những bóng cây nhưng không thấy cái màu xanh dịu mát của núi rừng.
Già Bình bảo lên gươl cho mát. Thì đây, duy nhất mái gươl này lợp bằng lá cọ nên có phần dịu hơn. Mái lá cọ đã thủng nhiều chỗ, ánh nắng xuyên xuống sàn gươl nhưng vẫn tạo ra một vùng không gian thoáng mát.
Mấy cô gái bảo, nóng quá, nên buổi trưa họ hay lên gươl tránh nóng, mang theo những đứa trẻ. Mới thấy thế hệ đi trước đã có lựa chọn tuyệt vời khi xây dựng các gươl. Nhớ, cuối buổi gặp, trước khi chia tay, già Bình hỏi các nhà văn có cách chi giúp làng lợp lại mái gươl bởi theo ông, làng bay giờ đã hết hẳn cọ để lợp.
Hỏi một nhà thơ trong đoàn cũng là người chuyên về xây dựng, anh bảo mái gươl không lớn nếu lợp bằng lá dừa nước chịu được độ ba năm là cùng, nếu lợp bằng cộng lá dừa nước thì bền hơn nhưng rất đắt, khó tìm ra vật liệu và có vẻ vượt ra khỏi khả năng của đoàn.
Bữa trưa, làng đãi đoàn bằng cá suối và thức ăn chế biến từ sắn. Cá vừa được các chị bắt lên từ sông A Vương đoạn chảy qua làng được chiên vàng ươm. Thêm xôi ghế sắn. Các thức ăn khác chế biến từ sắn: củ sắn nấu với cá suối, canh lá sắn xắt nhỏ…
Và rượu, cả rượu sâm lẫn rượu ngâm ba kích, loại rượu đặc sản của Tây Giang. Trời nóng nên mọi người chủ yếu ăn lấy thảo dù già làng nhiệt tình mời. Giá như làng có thêm những bóng cây…
2. Sự thay đổi dễ thấy nhất của Tây Giang sau 20 năm là các công trình giao thông, cơ quan, trường học, nhà cửa, chợ… đã được xây dựng khá hoàn chỉnh. Đã có sự “đổi đời” nhìn thấy rất rõ. Và một hướng mở cho huyện qua các cơ sở du lịch, từ làng cộng đồng Tà Làng lên Arơh, Pơr’ning đến Đỉnh Quế, Lộc Trời.
Tây Giang đã trở thành điểm đến đặc biệt trên bản đồ du lịch cả nước. Qua sự kết nối của hai nhà thơ Ploong Plênh và Hải Điểu, nhờ sự giúp đỡ của huyện, chúng tôi kịp thời trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm ở thôn Arơh, xã Dang; được nghe nghệ nhân ưu tú Briu Pố biểu diễn các nhạc cụ riêng có của ông để thể hiện tiếng kêu của các loài chim, thú.
Ngồi ngay cầu thang gươl làng Arơh, ông còn kể những câu chuyện về “Mẹ rừng”, những câu chuyện dài như một kiểu kể khan của Tây Giang. Sự cố mất điện vô tình làm cho vùng rừng núi có được sự trầm mặc thâm u khá thú vị.
Buổi giao lưu giữa đoàn nhà văn của Chi hội Văn học trực thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cùng đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Ngãi trong cái ảo mờ của nhá nhem tối trên gươl làng Pơr’ning lại bật lên cái đặc sắc của núi rừng. Đêm lửa với điệu tâng tung da dá tưng bừng và lôi cuốn quanh sân gươl để lại dấu ấn khó quên.
Bên cạnh mục đích đi thực tế để sáng tác, đoàn nhà văn cùng tham gia chương trình trải nghiêm với các hoạt động về ngày sách quốc gia cùng thầy trò Trường THPT Tây Giang.
Ngoài phần sách huy động từ các hội viên và tiền ủng hộ các học sinh nghèo trao cho trường, đoàn cùng tham gia trải nghiêm với chương trình Ngày hội đọc sách và tìm hiểu không gian văn hóa các dân tộc Việt Nam với chủ đề
“Sách và văn hóa các dân tộc Việt Nam” cho cán bộ giáo viên và học sinh miền núi, hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Nội dung phong phú, trong đó có thi trình diễn múa tâng tung da dá của học sinh các khối lớp.
Trong không gian ấm áp của gươl bên sân trường, các nghệ nhân hướng dẫn các em thực hành nghề đan lát và nghe nghệ nhân ưu tú Briu Pố kể chuyện truyền thống của vùng đất Tây Giang thân yêu.
Theo cô Arâl Mai Tình - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang, việc tổ chức cho các em trải nghiệm về múa tâng tung da dá được thực hiện khá quy mô và kéo dài từ nhiều tháng trước.
Thông qua ngày hội nhằm “kích hoạt” văn hóa đọc sách trong cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường; đồng thời tôn vinh các giá trị của sách và phong trào đọc sách hiện nay. Những hoạt động thiết thực này đã thu hút đa số học sinh tham gia và trở thành nét văn hóa vô cùng quý giá của học sinh Cơ Tu.
Các chất liệu qua đợt thâm nhập thực tế đang từng bước được các nhà văn, nhà thơ chuyển thành các tác phẩm văn học cùng với sự phát triển từng ngày của Tây Giang.