Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hiệp Đức: Sáng tạo và hiệu quả
Thời gian qua, huyện Hiệp Đức tập trung đổi mới, sáng tạo những cách làm hay, mô hình hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiệp Đức có 11 xã, thị trấn với 46 thôn, khối phố; trong đó có 3 xã là nơi sống tập trung của đồng bào dân tộc thiểu số với 8 thôn. Tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12,04% dân số toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Ca Dong và Mơ Nông. Trong những năm qua, Hiệp Đức đã xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà Trần Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực huyện Hiệp Đức cho biết, các mô hình được triển khai đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Có thể kể đến đầu tiên là phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phong trào đã được phát động mạnh mẽ trên địa bàn huyện, từ đó thành lập mô hình “Vận động, phấn đấu giảm nghèo bền vững”.
Hàng năm, huyện phân công các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảng viên, cán bộ, công chức theo dõi, hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn. Theo đó, đã thành lập 8 tổ công tác hỗ trợ, giúp đỡ 542 hộ nghèo tại 8 vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với 114 hộ nghèo tại thôn Trà Va, xã Sông Trà, nhằm nắm thực trạng, nguyên nhân nghèo để có hướng giúp đỡ thoát nghèo thiết thực. Với cách làm này, từ năm 2019 - 2022, đã có 244 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Hiệp Đức thoát nghèo.
Trong phong trào thi đua “Cả nước giúp sức xây dựng nông thôn mới”, các tổ chức chính trị - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thành lập nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao như “Vườn, ao, chuồng”, “Nuôi ong”, “Chăn nuôi kết hợp trồng cao su, keo”. Góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm từ các mô hình, Hiệp Đức thành lập các “Tổ quảng bá, tiêu thụ nông sản tại địa phương”.
Cùng với phát triển kinh tế, các mô hình trên lĩnh vực xã hội cũng được huyện quan tâm tổ chức, như “Trồng, chăm sóc cây xanh”, “Gia đình phụ nữ không có người tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; hằng năm tổ chức hội thi VH-TT 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Qua đó, giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, biết bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.
Bà Trần Thị Hằng nói, những kết quả đạt được thời gian qua là nhờ địa phương luôn quan tâm chỉ đạo triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình hiệu quả.
Đặc biệt, huy động và lồng ghép phù hợp các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh ở 3 xã vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn huyện.
Gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó hướng dẫn cách làm và kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong quá trình thực hiện.