Nắng hạn kéo dài, nhiều khu dân cư thiếu nước

HOÀNG LIÊN 12/05/2023 07:09

Trước ảnh hưởng của tình trạng nắng hạn kéo dài, nhiều khu dân cư thuộc xã Đại Hồng (Đại Lộc), Quế Lưu (Hiệp Đức) thiếu nước sinh hoạt khiến đời sống người dân gặp khó.

Người dân các xã vùng cao huyện Hiệp Đức chật vật với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Người dân các xã vùng cao huyện Hiệp Đức chật vật với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Chia nhau từng thùng nước

Xã Quế Lưu và nhiều xã vùng cao của huyện Hiệp Đức đang bước vào mùa khô hạn. Tại nhiều khu vực, mực nước ngầm bị suy kiệt, nhiều khu dân cư bắt đầu thiếu nước sinh hoạt.

Tại thôn Nhất Mỹ, ông Trần Văn Hiệp - người dân trong thôn cho biết, cứ đến mùa nắng hạn là nhiều nhà thiếu nước sinh hoạt. Một số nhà có tới 2 - 3 cái giếng nhưng vẫn không đủ nước sử dụng.

“Khu vực này địa hình đồi dốc rất lớn, đào giếng khó khăn, có nơi khoan sâu 40 - 50m mới có nước nhưng có khi ở độ sâu đó cũng gặp toàn đá hoặc nguồn nước không đảm bảo. Cứ mùa hạn là nhiều nhà phải xách thùng đi xin nước, phải chia nhau từng thùng nước để sử dụng” - ông Hiệp nói.

Ông Mai Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hiệp Đức chia sẻ, toàn huyện có 13 công trình cấp nước nhưng hiện chỉ còn 8 công trình đang hoạt động. Trong đó có 2 công trình hoạt động có thu tiền quản lý vận hành (nhà máy nước Tân An và nhà máy nước Bình Lâm), các công trình còn lại do cộng đồng dân cư tự vận hành khai thác không thu tiền.

Công trình cấp nước sinh hoạt ở vùng cao Hiệp Đức hầu như đều lấy nguồn nước mặt nên thường bị tắc nước ở thời điểm nắng nóng, khô hạn. Người dân tự bỏ tiền đóng giếng, đào giếng, song không phải nơi nào cũng thực hiện được.

Trước kia, xã Quế Lưu có 2 hệ thống cấp nước sinh hoạt tại thôn Tam Bảo và thôn 4, đều là công trình tự chảy, do UBND xã quản lý, nhưng thiên tai làm hư hỏng và công trình xuống cấp theo thời gian.

Tại các địa phương khác, nhiều công trình cấp nước đã xuống cấp, huyện đang có kế hoạch khôi phục, sửa chữa, nâng cấp để cấp nước cho người dân. Hiệp Đức cũng đang triển khai một công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Phước Gia và sẽ đầu tư thêm một công trình ở xã Sông Trà.

Chật vật xoay xở

Từ tháng 4, tháng 5 trở đi, tại khu vực khe Hóc, khe Lim, gò Mồ Côi (thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc), đời sống của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn khi cả nguồn nước mặt và nước ngầm đều bị cạn kiệt.

Ông Đỗ Hữu Sơn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phước Lâm chia sẻ, nhiều tháng qua trên địa bàn không có mưa, toàn bộ giếng đóng, giếng đào bị khô cạn, nhiều con suối như khe Lim, khe Bò bị khô hạn từ tháng 2, tháng 3. Thôn Phước Lâm nằm kề dãy núi Chài, địa hình toàn đá rất khó đóng giếng, chưa kể một phần nguồn nước trong thôn bị nhiễm phèn nặng.

Thôn Phước Lâm có gần 500 hộ dân thì đã hết khoảng 300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, nặng nhất là khu vực gò Mồ Côi, các khu dân cư sát núi và sống dọc quốc lộ 14B.

Riêng các khu dân cư nằm gần sông Vu Gia thì ít khó khăn hơn, có thể đóng giếng sát sông đưa về nhà sử dụng. Thiếu nước, nhiều gia đình chung tiền bắt đường ống đưa nước từ những khe suối còn có nước để dẫn về sử dụng hoặc ra sát sông Vu Gia đóng giếng, kéo ống hút nước đưa về nhà.

Người dân thôn Hòa Hữu Tây (xã Đại Hồng) cũng gặp khó khăn tương tự. Theo ông Nguyễn Thành Quảng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hòa Hữu Tây, khu vực gặp khó khăn nhất về nguồn nước là tổ 3, 4 (xóm chợ), tổ 1 (vùng sát khe Bãi Trầu).

Toàn thôn có hơn 360 hộ dân thì khoảng một nửa số hộ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Người dân chủ yếu dùng nước từ khe suối nhưng hầu hết đã bị khô hạn, cạn kiệt. Nhiều gia đình đóng giếng nhưng nước nhiễm phèn không sử dụng được.

Ông Từ Thanh Thẩm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biết, phần lớn nước sinh hoạt của người dân ở các thôn nêu trên là nguồn nước tự chảy từ khe suối nên mùa nắng hạn là thiếu nước.

Huyện đã cho đóng 2 giếng bơm nước đẩy vào hệ thống cấp nước tự chảy ở Khe Lim và Khe Bò để cấp nước cho các thôn lân cận. Các vùng còn lại, dự lường tình trạng khô hạn, người dân cũng đã chủ động ứng phó nhưng việc sinh hoạt bị ảnh hưởng bởi nguồn nước thiếu hụt là điều khó tránh khỏi.

HOÀNG LIÊN