Ngày 15/5, Hội An chính thức siết chặt phương án kiểm soát vé tham quan phố cổ
(QNO) - Liên quan việc kiểm soát chặt vé tham quan khi vào phố cổ, chiều 11/5, UBND TP.Hội An tổ chức buổi gặp mặt các cơ quan báo chí thông tin chính thức về công tác tổ chức quản lý hoạt động tham quan khu phố cổ Hội An thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, việc bán vé tham quan khu phố cổ đã được triển khai từ năm 1995. Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay giá vé vẫn giữ nguyên không đổi với 2 mức cụ thể gồm: 80 nghìn đồng/khách Việt Nam và 120 nghìn đồng/khách nước ngoài, rẻ hơn rất nhiều so với một số di sản trên thế giới như Hạ Long, Đại nội Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng...
Gần 30 năm qua, nguồn thu từ bán vé tham quan được dùng vào trùng tu di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch… Cụ thể, năm 2019, tổng nguồn thu từ bán vé tham quan đạt gần 300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2022, nguồn thu từ bán vé tham quan chỉ đạt 32 tỷ đồng, riêng 3 tháng đầu năm 2023 nguồn thu gần 40 tỷ đồng. Vì vậy, việc tăng cường công tác quản lý hoạt động bán vé tham quan không chỉ giúp hạn chế thất thoát vé mà còn nhằm tạo sự công bằng giữa người mua vé và người không mua vé, của đơn vị lữ hành mua vé và không mua vé.
“Hội An sẽ tập trung kiểm soát khách theo đoàn, khách đi lẻ tham quan sẽ được mời mua vé, họ mua thì tốt không mua thì thôi. Riêng khách đi vào với mục đích khác như ăn, uống, chụp hình cưới không phải mua vé. Với người nước ngoài nếu lưu trú ở Hội An lâu ngày chúng tôi đang nghiên cứu chỉ cần mua vé 1 lần.
Hiện phương án này đã nhận được ý kiến đồng tình của người dân, doanh nghiệp du lịch, được tập thể Ban Thường vụ Thành ủy thẩm định cho ý kiến thông qua và sẽ áp dụng kể từ ngày 15/5”, ông Sơn nói và cho rằng, nếu Hội An không tăng cường kiểm soát vé thì sẽ đến lúc trở thành điểm du lịch miễn phí.
Chưa kể, nếu không có nguồn thu thì không thể có nguồn lực tái đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai các hoạt động văn hóa phục vụ du khách, đảm bảo an ninh trật tự, môi trường cho khu phố cổ.
"Hội An sẽ tập trung vào việc kiểm soát khách theo đoàn, tăng cường hướng dẫn, bố trí hệ thống thông tin, tổ chức bán vé từ xa, nhất là tại hai bãi xe góc đường Lý Thường Kiệt – Hai Bà Trưng và bãi xe Thanh Hà. Sau đó tổ chức trung chuyển khách bằng xe điện đến 3 điểm đón đổ khách gần khu phố cổ là Quảng trường sông Hoài, Bảo tàng Hội An và số 08 Hoàng Diệu. Từ đây sẽ có lực lượng hướng dẫn du khách đi theo tuyến, không để du khách đi vào các hẻm kiệt nhỏ, những kiệt hẻm này chỉ dành cho người dân và những người đi với mục đích khác" - ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, nhờ nguồn thu từ tiền bán vé mà gần 30 năm qua đã sửa chữa, trùng tu nhiều di tích ở Hội An. Cũng nhờ tiền từ bán vé mà nhiều sản phẩm du lịch phát triển phục vụ du khách, cũng như hỗ trợ lại cho di tích tư nhân.
Quá trình thực hiện đề án sẽ chặt chẽ, nhân văn không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân, không ngăn sông hay dùng biện pháp cứng rắn làm ảnh hưởng đến hình ảnh Hội An nhân tình thuần hậu.
Trước ý kiến cho rằng, việc thành phố siết chặt hoạt động kiểm soát vé tham quan sẽ gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh trong khu vực phố cổ, người đứng đầu chính quyền TP.Hội An quả quyết, thành phố không khuyến khích các hoạt động kinh doanh buôn bán trong phố cổ vì quá trình kinh doanh sẽ làm mất đi hồn của phố. Hiện nay gần 70% di tích trong phố cổ được tư nhân nơi khác tới mua hoặc thuê buôn bán, kinh doanh, chỉ còn hơn 30% là người dân gốc sinh sống trong phố cổ. Vì vậy, thành phố đang xây dựng phương án từng bước đưa người dân vào sống trong khu vực phố cổ nhằm tăng hồn phố lên.
"Ngày 15/5, Hội An chính thức siết chặt phương án kiểm soát vé tham quan phố cổ. Tất nhiên, đây là phương án khung sẽ vừa làm vừa điều chỉnh hoàn thiện sát với thực tế”
(Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn)
Ông Sơn thừa nhận, Hội An hiện quá xô bồ, như dịp lễ 30/4 vừa qua, khách vào khu vực phố cổ quá đông, nhất thời điểm buổi chiều không có chỗ chen chân. Áp lực đè nặng lên di sản rất lớn, khiến di sản mau xuống cấp, các sản phẩm du lịch dù có cố gắng vẫn không thể tổ chức tốt được.