Tăng cường trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm
Nhân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay, bà Lê Thị Hồng Cẩm - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có cuộc trao đổi với Báo Quảng Nam về thực trạng cũng như giải pháp để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác an toàn thực phẩm (ATTP).
* Trong “Tháng hành động vì ATTP” năm nay, Quảng Nam triển khai những hoạt động cụ thể nào, thưa bà?
Bà Lê Thị Hồng Cẩm: “Tháng hành động vì ATTP” năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới”. Đây là điểm nhấn trong năm nhằm tạo nên đợt cao điểm, phát động chiến dịch truyền thông về tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, đợt kiểm tra ATTP trong tháng hành động nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp từ tỉnh đến địa phương. Thông qua hoạt động kiểm tra, hậu kiểm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Cũng qua đợt kiểm tra này kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về ATTP, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm ATTP ở các cấp. Thông qua công tác kiểm tra cũng kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở này.
* Kết quả của một số đợt giám sát, kiểm tra thời gian qua có gì nổi bật?
Bà Lê Thị Hồng Cẩm: Qua công tác kiểm tra, chúng tôi nhận thấy hầu hết cơ sở được kiểm tra đều có sự phối hợp tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn tiến hành kiểm tra, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở được nâng cao, phần lớn các cơ sở kinh doanh, sản xuất cơ bản tuân thủ các quy định về thực hiện ATTP.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở còn tồn tại các vi phạm như: kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng chất thải, rác thải bảo đảm vệ sinh; thực hiện khám sức khỏe định kỳ chưa đầy đủ…
Có thể nói, thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh, ATTP nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về ATTP có chuyển biến tích cực; sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm.
Bước đầu hình thành các vùng nguyên liệu sạch và nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh như chuỗi cung cấp rau an toàn của HTX Sản xuất rau an toàn công nghệ cao Drean Garden, chuỗi cung cấp rau an toàn của HTX Nông nghiệp xanh Trường Xuân….
* Bà có khuyến cáo gì để các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cùng người tiêu dùng sử dụng thực phẩm an toàn, hiệu quả?
Bà Lê Thị Hồng Cẩm: Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm phải tuân thủ các thủ tục hồ sơ theo quy định của pháp luật về thực hiện ATTP.
Ngoài ra, phải đảm bảo các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến được phép sử dụng, đúng liều lượng, đúng đối tượng theo quy định trong sản xuất, chế biến thực phẩm, không sử dụng nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn.
Đối với người tiêu dùng, để đảm bảo ATTP, người tiêu dùng cần chú ý các vấn đề sau: Có kế hoạch mua sắm và sử dụng thực phẩm phù hợp. Lựa chọn mua và chế biến thực phẩm an toàn.
Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng.
Người tiêu dùng nên tránh, không mua các loại thực phẩm đóng bao gói sẵn không có nhãn mác, chỉ mua các loại có nhãn đầy đủ như tên thực phẩm, địa chỉ cơ sở sản xuất, định lượng thực phẩm, thành phần cấu tạo, chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản và sử dụng. Nên mua thực phẩm ở những cơ sở kinh doanh uy tín, có giấy phép...
Ngoài ra, cần bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm đúng cách, tốt nhất là ăn thực phẩm sau khi vừa nấu chín và nấu kỹ lại thực phẩm đã bảo quản trước khi ăn. Người tiêu dùng cũng cần hiểu rõ tác hại của việc sử dụng rượu, đặc biệt là rượu pha bằng hóa chất, cồn công nghiệp, rượu có chứa hàm lượng methanol cao vì có thể gây mù mắt và tử vong.
* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!