Giữ hồn gốm Thanh Hà

VĨNH LỘC 08/05/2023 15:42

(QNO) - Làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An) hiện còn 2 cơ sở chuyên sản xuất gốm dân dụng  như bùng binh, lọ, nồi, om đất… Đây được xem là những “hạt nhân” hiếm hoi lưu giữ các sản phẩm truyền thống làng nghề hơn 500 tuổi.

Khách du lịch tham quan cơ sở gốm truyền thống Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: V.L
Khách du lịch tham quan cơ sở gốm truyền thống Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: V.L

"Đời nghề như chiếc bàn xoay"

Ngồi trên một chiếc ghế thấp, bà Nguyễn Thị Thủy tỳ hai tay vào khoanh đất chiếc bàn xoay đang chuyển động. Cuộn đất sét dần cao lên sau mỗi cú đá chân của người đồng nghiệp. Chừng 5 phút thì chiếc nồi thành hình, mượt mà, cân đối. Bà Thủy cẩn thận bê sang bên đặt nhẹ trên tấm ván gỗ chờ mang ra phơi. Chỉ vài ngày nữa thì những chiếc nồi đất này sẽ được nung thành phẩm và mang đi tiêu thụ.

Cách đó vài bước chân, tại cơ sở gốm Nguyễn Ngữ, hai phụ nữ lớn tuổi cũng đang miệt mài nặn những chiếc bùng binh (vật bỏ tiền tiết kiệm giống như heo đất). Tất cả nhịp nhàng, lặng lẽ. Bên ngoài, từng đoàn du khách tấp nập qua lại, thỉnh thoảng một vài người dừng chân ngắm nhìn, chụp hình.   

Tính đến tháng 4/2023 làng gốm Thanh Hà có 32 cơ sở sản xuất với 68 lao động tham gia trực tiếp. Ngoài 2 cơ sở gốm dân dụng truyền thống Nguyễn Thị Thủy và Nguyễn Ngữ, 4 cơ sở khác đều chuyển sang làm gốm mỹ nghệ và trình diễn phục vụ du lịch.

Làng Thanh Hà hiện chỉ còn 2 hộ sản xuất gốm dân dựng truyền thống. Ảnh: V.L
Làng Thanh Hà hiện chỉ còn 2 hộ sản xuất gốm dân dựng truyền thống. Ảnh: V.L

So với gốm mỹ nghệ hoặc sản xuất vật phẩm lưu niệm, làm gốm dân dụng tốn thời gian và nhiều lao động hơn. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, thông thường cần 4 người, gồm 1 làm đất, 1 nhắm gốm (làm nguội), 1 chuốt gốm và 1 người đá bàn xoay. Theo bà Nguyễn Thị Thủy, trung b́ình nửa tháng cơ sở cho ra một mẻ nung, ngày mưa có khi 3 tháng, mùa lụt th́ì khó khăn hơn do làng Thanh Hà nằm vùng trũng thấp.

Gốm nung ra được bạn hàng thu gom mang đi tiêu thụ khắp nơi, từ Hội An vào Tam Kỳ ra Đà Nẵng, Huế… Tuy nhiên, do sản xuất bằng phương thức thủ công nên sản phẩm không nhiều, một ngày làm nhanh cũng chỉ được tầm 80 sản phẩm. Với giá bán sỉ 24 nghìn đồng/nồi đất, sau khi trừ chi phí vật liệu, thu nhập chia đều một lao động khoảng 100 nghìn đồng/ngày, nếu làm đủ 30 công ước chừng 140 nghìn đồng. 

“Làm nghề này chủ yếu kiếm ngày công chứ để khá giả thì khó lắm. Bây giờ lớn tuổi rồi không làm gốm thì biết làm gì. Nói chung cuộc sống như chiếc bàn xoay cứ loay hoay không lối thoát” - bà Nguyễn Thị Thủy ví von.

Giữ hồn cho làng nghề

Lịch sử làng gốm Thanh Hà đến nay khoảng hơn 500 năm tuổi. Trong quá khứ, gốm Thanh Hà chuyên sản xuất các sản phẩm dân dụng phục vụ đời sống hàng ngày như bùng binh, nồi đất, bình lu, kể cả gạch, gói… Từ sau những năm 1990, thị trường gốm dân dụng bị thu hẹp bởi sự xuất hiện của các đồ dùng bằng nhôm, sắt, nhựa. Năm 2001, làng gốm Thanh Hà bắt đầu chuyển sang làm du lịch. Hầu hết cơ sở cũng dần chuyển từ sản xuất gốm dân dụng sang gốm mỹ nghệ và vật phẩm lưu niệm kết hợp trình diễn nghề.

[VIDEO] - Sản xuất gốm dân dụng tại làng gốm Thanh Hà

Bà Nguyễn Thị Thu - cơ sở gốm Nguyễn Ngữ thừa nhận, làm gốm dân dụng bấp bênh hơn gốm mỹ nghệ bởi đầu ra sản phẩm chậm, giá bán hàng hóa thấp, trong khi vật liệu (đất sét, củi nung…) ngày càng hiếm và không ngừng tăng giá.

“Mùa nắng dễ làm thì khó bán, ngược lại mùa mưa bán chạy thì không có gốm, nhưng mình không thể trữ hàng được vì cơ sở nhỏ hẹp, làng thấp dễ ngập lụt, nên thật sự cũng không muốn con theo nghề này, ráng hết đời mình chắc cũng đóng lò nghỉ thôi” - bà Thu chia sẻ.

Vài năm trước làng gốm Thanh Hà vẫn còn 4 cơ sở chuyên sản xuất gốm truyền thống nhưng rồi thợ lớn tuổi, không có người theo nghề nên 2 lò đã đóng cửa. Tại cơ sở gốm Nguyễn Thị Thủy và Nguyễn Ngữ, trong số 8 lao động đang làm việc tất cả đều trên dưới 60 tuổi.  

Mặc dù gốm mỹ nghệ phù hợp với xu thế thị trường, tuy nhiên để bảo tồn tinh hoa làng  nghề phải cần lưu giữ các sản phẩm dân dụng truyền thống. Ảnh: V.L
Mặc dù gốm mỹ nghệ phù hợp với xu thế thị trường, tuy nhiên để bảo tồn tinh hoa làng nghề phải cần lưu giữ các sản phẩm dân dụng truyền thống. Ảnh: V.L

Năm 2019, mức hỗ trợ cho mỗi lao động được phân loại theo 3 mức A (nghệ nhân), B (thợ lành nghề), C (thợ học việc) lần lượt là 7 triệu, 5 triệu và 3,5 triệu đồng.

Riêng với 2 cơ sở sản xuất sản phẩm dân dụng truyền thống, ngoài mức hỗ trợ từ hoạt động bán vé tham quan như trên, hàng năm mỗi hộ sản xuất còn được hỗ trợ thêm 50% chi phí nguyên vật liệu sản xuất (đất sét, củi nung…). Năm 2022, dù du lịch mới phục hồi nhưng mức hỗ trợ vật liệu cho mỗi hộ khoảng 9 triệu đồng.  

Ông Nguyễn Hào - cán bộ UBND phường Thanh Hà (phụ trách làng gốm Thanh Hà) khẳng định, các cơ sở sản xuất gốm dân dụng truyền thống chính là hạt nhân lưu giữ hồn cốt cho làng. Vì vậy, địa phương luôn khuyến khích người dân giữ gìn, phát huy, đồng thời có cơ chế hỗ trợ riêng.

“Muốn bảo tồn làng gốm Thanh Hà đầu tiên phải giữ được hai cơ sở dân dụng này, bởi đây mới chính là nơi lưu truyền những tinh hoa của làng nghề. Chúng tôi luôn khuyến khích các cơ sở sản xuất quay về làm gốm truyền thống nếu có điều kiện. Tất nhiên, họ vẫn có thể vừa sản xuất gốm dân dụng bán ra thị trường vừa phục vụ du lịch thông qua công việc hàng ngày của mình cho khách quan sát và trải nghiệm” - ông Hào diễn giải.

Ngoài hỗ trợ từ tiền vé du lịch thì việc hỗ trợ một phần chi phí vật liệu sản xuất đươc xem là cách làm hay để bảo tồn hiệu quả làng gốm Thanh Hà. Ảnh: V.L
Ngoài hỗ trợ từ tiền vé du lịch thì việc hỗ trợ một phần chi phí vật liệu sản xuất đươc xem là cách làm hay để bảo tồn hiệu quả làng gốm Thanh Hà. Ảnh: V.L

Từ nhiều năm nay, hằng tháng UBND phường đều trích một phần kinh phí từ hoạt động bán vé tham quan làng gốm hỗ trợ lao động tại chỗ nhằm khuyến khích các cơ sở bám làng, giữ nghề.

Theo ông Nguyễn Hào, số tiền tuy không nhiều nhưng là nguồn động viên, khuyến khích các lao động, nhất là những cơ sở sản xuất truyền thống yên tâm gắn bó với nghề. “Ngoài mức tiền hỗ trợ từ du lịch, các hộ sản xuất còn có thêm nguồn thu từ bán hàng nên có thể yên tâm gắn bó với nghề” - ông Hào nói thêm.

Trong 2 tháng 3, 4 vừa qua mức hỗ trợ mỗi thợ nghề lần lượt 4 triệu và 2,8 triệu đồng dành cho 2 loại A,B, mức này sẽ tăng hơn khi lượng khách đến tham quan làng gốm nhiều lên.

VĨNH LỘC