Lắng nghe kiến nghị của người lao động
Ngày 7/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri công nhân lao động tại Khu công nghiệp Tam Thăng (Tam Kỳ) trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Cử tri đã bày tỏ sự quan tâm lớn đối với các vần đề như Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, các vấn đề về chế độ chính sách dành cho người lao động.
“Nóng” quanh Dự thảo Luật BHXH
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn trong nước và của tỉnh đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của CNLĐ. Thời gian tới, các doanh nghiệp tại KCN Tam Thăng tiếp tục vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm, giờ làm cho CNLĐ. Bản thân CNLĐ tiếp tục nỗ lực vượt khó, đồng hành với doanh nghiệp và nói không với tệ nạn xã hội, tín dụng đen.
Đại biểu Lê Văn Dũng khẳng định, những đề xuất, kiến nghị của CNLĐ trong buổi tiếp xúc cử tri là hết sức chính đáng, thiết thực. Trong đó các nhóm vấn đề về độ tuổi nghỉ hưu đối với ngành nghề đặc thù; đóng và hưởng BHXH, hỗ trợ tai nạn lao động; vốn vay ưu đãi về nhà ở CNLĐ. Đây đều là những nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, đời sống CNLĐ, cần các bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tiếp thu các kiến nghị của cử tri và sẽ tổng hợp, có ý kiến, đề xuất với Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Tại buổi tiếp xúc cử tri công nhân lao động (CNLĐ) Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng (Tam Kỳ), bà Nguyễn Thị Hà Na (Công ty Fashion Garment) kiến nghị: “Theo dự thảo sửa đổi Luật BHXH thì CNLĐ nghỉ một lần chỉ được nhận 50% số năm đã tham gia đóng BHXH. Điều này khiến nhiều CNLĐ lo lắng nên làm đơn xin nghỉ một lần trước khi áp dụng luật mới.
Đề nghị các Đại biểu Quốc hội nên xem xét để nguyên phương án hiện nay. Tôi cũng kiến nghị nên rút ngắn thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm sẽ hợp lý hơn đối với CNLĐ”.
Còn bà Huỳnh Thị Kiều Vân (Công ty Moonchang Vina) cho rằng: “Trường hợp CNLĐ nghỉ thai sản, song do điều kiện khó khăn nên xin đi làm sớm thì phải đóng lại các khoản bảo hiểm trong thời gian đi làm sớm.
Đề nghị khi sửa đổi Luật BHXH, Quốc hội quan tâm điều chỉnh cho CNLĐ không đóng những khoản trên trong giai đoạn đi làm sớm hơn. Tôi cũng kiến nghị CNLĐ trong thời gian nghỉ thai sản cũng được tính là thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp để không thiệt thòi”.
Đến từ Công ty Panko Tam Thăng, bà Nguyễn Thị Ái Sanh kiến nghị: “Có nhiều trường hợp CNLĐ thừa năm đóng BHXH, nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu. Quy định của Luật BHXH hiện nay, mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ 2%, như vậy rất thiệt thòi cho CNLĐ. Đề nghị Quốc hội xem xét hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu, để đảm bảo quyền lợi cho CNLĐ.
Với CNLĐ trực tiếp sản xuất thì rất khó khăn khi quy định độ tuổi nghỉ hưu quá cao, trong khi đến hơn 50 tuổi là họ đã làm việc với năng suất kém rồi. Đề nghị Quốc hội cần xem xét giảm độ tuổi hưu đối với nhóm CNLĐ ở từng ngành nghề chứ không nên cào bằng”.
CNLĐ kiến nghị Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần có biện pháp hữu hiệu, có chế tài đủ mạnh để sớm giải quyết và đáp ứng được quyền lợi chính đáng cho CNLĐ khi doanh nghiệp nợ BHXH.
CNLĐ gặp nhiều khó khăn
Quan tâm đến khía cạnh thiết chế văn hóa dành cho CNLĐ, bà Phan Thị Hồng (Công ty Panko Tam Thăng) cho rằng, ở KCN Tam Thăng chưa có nhà trẻ, trường mẫu giáo dành cho con em CNLĐ nên khi sinh con được 6 tháng họ phải đi làm lại thì không có chỗ gửi trẻ, trong khi ở xa nhà không gửi người thân được.
Bà Huỳnh Thị Như (Công ty Panko Tam Thăng) hỏi: “Hiện nay có chính sách cho vay vốn để mua nhà ở xã hội, nhưng CNLĐ chúng tôi không thể tiếp cận được, bởi Tam Kỳ không có dự án nhà ở xã hội thì mua kiểu gì?
Còn vay để sửa chữa hay xây nhà; CNLĐ phần đông ở trọ, lấy đâu ra đất ra nhà để sửa để xây mà tiếp cận được vốn vay? Muốn đi mua căn nhà ở khu vực nông thôn của Tam Kỳ, cũng không thể tiếp cận chính sách vì đó không phải là nhà ở xã hội”.
Ông Huỳnh Ngọc Tài (Công ty Aman Việt Nam) kiến nghị cần có các thiết chế văn hóa thể thao miễn phí cho CNLĐ. Đồng thời cần đầu tư khu chợ cho CNLĐ, vì chợ tự phát hiện nay rất bát nháo và mất an toàn giao thông.
Nhiều ý kiến khác đề nghị cần quan tâm hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng tại các tuyến đường dẫn vào KCN Tam Thăng. Năm 2021, 2022, CNLĐ đã có kiến nghị về việc bắt đèn chiếu sáng đoạn đường từ quốc lộ 1 vào KCN Tam Thăng, thế nhưng đến nay hơn 3 năm vẫn không có hệ thống đèn chiếu sáng.
Đoạn đường này rất nhiều xe tải, contener, CNLĐ lưu thông nên dễ xảy ra tai nạn, đặc biệt là vào ban đêm. CNLĐ cũng kiến nghị cần đầu tư hệ thống thoát nước đảm bảo an toàn vào mùa mưa lũ ở KCN này.
Luôn lắng nghe CNLĐ
Trả lời thắc mắc của CNLĐ về vốn vay ưu đãi mua nhà ở công nhân, ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, hiện nay về cơ chế ưu đãi chỉ có vốn của Ngân hàng CSXH, lãi suất 6%. Tuy nhiên, vốn này rất ít, chỉ xét ở một số xã, phường. Trong khi đó, vốn của các ngân hàng thương mại là nguồn tiền các đơn vị huy động ở người dân, đơn vị, doanh nghiệp và cho vay lại nên lãi suất cao hơn.
“Hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhất là Vietcombank, Agribank, BIDV, Viettinbank… dành gói vay khoảng 120.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất thấp, khoảng 8,5 - 9%. Gói này dành cho đầu tư xây nhà ở công nhân, nhà xã hội, thực hiện các dự án, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện tỉnh chưa triển khai hình thức này, nhưng thời gian tới Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam sẽ nghiên cứu, tích cực triển khai” - ông Trọng cho biết.
Về độ tuổi nghỉ hưu của CNLĐ, ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, theo Bộ luật Lao động 2019, độ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường thì nam là 62 tuổi (mục tiêu 2028), nữ là 60 (mục tiêu 2035).
Quy định về độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn không quá 5 năm so với độ tuổi lao động bình thường, sẽ rơi vào các nhóm đối tượng như làm việc hơn 15 năm trong môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc hơn 15 năm ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn; CNLĐ suy giảm sức lao động 61% trở lên.
Môi trường nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hiện nay ở KCN Tam Thăng có công nhân vận hành máy giặt, máy may, vệ sinh công nghiệp, đóng khuy, nhuộm... sẽ giảm thời gian lao động, nghỉ hưu trước độ tuổi quy định không quá 5 năm.
“Theo thông tư số 10 ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, lao động nữ làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trường hợp mang thai, báo đến chủ sử dụng lao động thì các đơn vị này phải có nhiệm vụ bố trí công việc nhẹ nhàng hơn, giảm 1 giờ/ngày nhưng đảm bảo lương.
Công nhân cần nghiên cứu công việc mình đang làm có nằm danh mục độc hại nguy hiểm không và thông báo cho chủ sử dụng lao động khi rơi vào các trường hợp được ưu tiên” - ông Quý nói.
Trả lời ý kiến cử tri về vấn đề thoát nước trong KCN Tam Thăng, ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, thành phố đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khảo sát các tuyến đường, nạo vét, khơi thông dòng chảy, chống ngập úng cục bộ trong mùa mưa sắp tới.
Về lâu dài, thành phố đã làm việc với Đại học Bách khoa Đà Nẵng, để xây dựng phương án chống ngập lụt tổng thể. Tam Kỳ đã bố trí hơn 10 tỷ đồng để đầu tư xây dựng chợ Tam Thăng với quy mô khoảng 10.000m2.