Lên A Xan ăn cháo lòng
A Xan (xã vùng cao huyện Tây Giang) đón chúng tôi bằng những đoạn đường dốc núi cheo leo, ngoằn ngoèo, quầng bụi đỏ. Được biết, ở A Xan chỉ có quán duy nhất để khách phương xa dừng chân ăn uống, điểm tâm buổi sáng với món đặc sản cháo lòng heo đen bản địa.
Tôi đã từng thường thức các món đặc sản Tây Giang như thịt xông khói, thịt nướng ống, ếch đá xào, cá suối, món rạ (gồm thịt, cá, rau nướng ống tre), bánh cuốt của người Cơ Tu, các món ăn từ mối, rượu ba kích… Riêng món cháo lòng heo mọi thì đây là lần đầu.
Theo chân bạn, đoàn chúng tôi ghé vào một quán nhỏ giản dị, chừng dăm bảy cái bàn nhưng khá đông khách. “Em mười lăm khách nhé chị”. Cậu bạn vừa dứt lời, cô chủ quán người bản địa đã vội vã xuống bếp. Độ mười phút sau, mâm cháo lòng được bưng lên còn nóng hổi, bốc khói.
Mới nhìn thì tô cháo ở A Xan không có gì khác so với miền xuôi. Nhưng trong một sớm núi rừng không mấy vội vã, thêm chút se se lạnh của khí trời miền núi, chúng tôi càng “thấm” hơn món cháo lòng heo mọi với lời giải thích tỉ mỉ của bạn. Đầu tiên, cháo lòng A Xan độc đáo ở chỗ được chế biến từ heo mọi - giống heo địa phương, thân hình nhỏ, được người dân nuôi thả trên đồi núi.
Người ta bắt những con heo vừa tầm (nặng khoảng 10kg) làm thịt sẵn, khi nào khách yêu cầu là chế biến tại chỗ. Thường thịt tươi giữ trong ngày, hạn chế thịt đông lạnh vì như vậy thịt không còn tinh nguyên độ thơm, ngon.
Được biết, từ nguồn nguyên liệu tại chỗ này, người dân chế biến thành nhiều món ngon. Chọn phần sườn, chân để nấu măng chua ăn bún đãi khách buổi trưa. Thịt nạc của hai đùi sau hấp cách thủy, xắt mỏng ăn với rau sống, mắm gừng…; thịt ba chỉ nướng lá lốt rừng hoặc luộc chấm muối tiêu ăn cùng các loại rau rừng - những món thường được lai rai vào buổi chiều.
Riêng cháo lòng chỉ xuất hiện vào sớm tinh mơ vì khi người dân vừa mới mổ heo xong liền mang lòng đi nấu cháo - như vậy lòng mới đạt được độ ngon nhất. Một điều nữa làm nên sự hấp dẫn cho món cháo là ở cách làm rất sạch sẽ.
Tiếp đến, gạo để nấu cháo phải dùng loại gạo lúa mùa người dân trồng trên ruộng bậc thang và phải nấu cháo trên bếp củi hồng. Người bán kể rằng, nấu cháo lòng rất cực. Lòng đủ các loại lục phủ ngũ tạng: gan, tim, ruột non, ruột già, bao tử… sau khi làm sạch được thả vào nồi nước đang sôi, cho thêm tí gừng, canh vừa chín tới nhanh tay vớt ra.
Riêng phần cháo nấu cùng với nước luộc lòng, dùng cả nước hầm xương ống, xương vai cho nồi cháo đủ độ ngọt, ngon. Phải nấu cháo sao cho đặc vừa, cháo vừa chín cho phần huyết lỏng vào đảo đều tay, lúc này nồi cháo chuyển sang màu tím ngà. Múc tô cháo nóng hổi kèm dĩa lòng heo, rau thơm, mắm gừng, hương vị núi rừng như ngưng đọng.
Rời A Xan về lại phố, người Cơ Tu tiễn chúng tôi bằng những bàn tay ân tình, những giọng cười vang vang, những ánh mắt nồng ấm. Mùi thơm nồng của cơm lam, của dĩa xôi sắn, của tô cháo lòng… cùng với men rượu ba kích vẫn còn vấn vương bước chân đại ngàn xa khuất.
Nếu có dịp ghé thăm A Xan, vào giấc sáng sớm, sau cái vươn vai để đón một ngày bình an xa phố thị, thì bạn đừng quên ngồi giữa sương rừng, thưởng thức tô cháo lòng của người vùng cao, ắt hẳn sẽ mang lại cho bạn những xúc cảm về nơi được xem là vùng đất miền biên viễn này.