Nghệ thuật cộng đồng... cho ai?
Khá nhiều ý kiến xoay quanh những tác phẩm bích họa tại Tam Thanh (Tam Kỳ - một vùng đất lâu nay được xem như không gian để nghệ thuật cộng đồng phát triển.
1. Bức tranh vẽ cảnh sinh hoạt làng biển của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ với những ngư dân cởi trần vá lưới cho đến tác phẩm khá đồ sộ với những chú bò đặc biệt của họa sĩ Hà Trí Hiếu... đều gần như là những tác phẩm đặc biệt trong cụm bích họa lần này tại Tam Thanh. Tuy nhiên, nhiều người dân Tam Thanh lại phản ứng không vui với chính những bức họa này.
Cùng với hai tác phẩm này là những bức vẽ trên thuyền thúng, chum, vại được trưng bày tại con đường thuyền thúng ngay ở không gian làng với bố cục, màu sắc cũng khá ấn tượng.
Tuy nhiên, ghi nhận chung từ ý kiến của nhiều người dân Tam Thanh, đa số họ đều cho rằng những bức vẽ lần này của nhóm sáng tác đều không thân thuộc với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân làng biển cũng như không dễ cảm thụ như những bức vẽ của nhiều năm trước.
Xin nói thêm về tác phẩm những chú bò của Hà Trí Hiếu đang gây tranh cãi. Anh nổi danh là một họa sĩ đương đại với chủ đề liên tục được chọn lựa sáng tạo là tranh vẽ bò. Những chú bò trong tranh Hà Trí Hiếu không chở theo cỏ, rơm, không chở những bóng dáng khác của một cảnh quê nhưng tất cả lại hiện hữu trong sự náo động của màu sắc và dáng hình con bò anh chọn truyền tải.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, con bò của Hiếu có khi trở nên siêu thực, có khi bó mình thành những hình khối, nhưng lúc nào cũng cố gắng che chở cho con người, nâng đỡ con người, liên kết con người và vạn vật...
“Con bò hóa thân thành trung tâm của sự sống, níu giữ lòng ta với một quê hương. Tôi cảm thấy Hiếu đã dành rất nhiều tâm huyết khi vẽ hình khối con bò cũng như chọn lựa sáng tạo thêm chủ điểm khác xung quanh chủ đề nhận diện anh” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói.
2. Về phần mình, liên tục nhiều năm nay tham gia sáng tác tranh tường miễn phí tại Tam Thanh, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, công việc sáng tác mỹ thuật, cụ thể ở đây là vẽ tranh, chính là công việc cá nhân.
“Nghệ thuật cộng đồng nếu nói đến cuối cùng là một không gian rất khó cho người làm nghệ thuật. Là họa sĩ tôi tôn trọng các tác phẩm đồng nghiệp đã vẽ. Thiết nghĩ Tam Thanh đã là làng bích họa khá nổi tiếng của miền Trung. Do vậy, Tam Thanh cũng sẽ là nơi để hội tụ các nghệ sĩ sáng tạo với các chất liệu, phong cách vẽ trên tường, trên thuyền, ghe, thúng và có cả nghệ thuật sắp đặt...
Tính cá nhân đến cộng đồng là dẫn từ “tôi” đến “chúng ta” không phải dễ dàng. Tôi biết các đồng nghiệp của tôi đã đến đây (có người đã đến nhiều lần) và vẽ, dựng, sắp đặt... Họ muốn nơi này tạo nên sự hấp dẫn nhiều du khách tham quan” - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói.
Một tác phẩm nghệ thuật tất yếu sẽ có người thích và người không thích, ông Nguyễn Thượng Hỷ nói, hội họa càng là một câu chuyện phức tạp.
“Bản thân tôi xem không gian nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh là nơi các họa sĩ thể hiện những cái mới. Việc thể hiện đa dạng phong cách sẽ hấp dẫn cho du khách đến đây và chủ nhà có thời gian tìm hiểu thêm về nghệ thuật “ - họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói.
Chính vì mới, nên không dễ gì cộng đồng chấp nhận tức thì. Đây cũng là suy tư của một số cá nhân cùng tham gia trong đợt sáng tác vừa rồi tại Tam Thanh. Một cô giáo mỹ thuật tại TP.Tam Kỳ tham gia vẽ đợt này cho biết, chị tham gia vẽ bích họa ở Tam Thanh và chứng kiến các nghệ sĩ phơi nắng gió để ngày đêm làm đẹp cho làng bích họa bằng tất cả đam mê, tâm huyết.
Chị chia sẻ: “Tôi học tập nhiều điều, bồi dưỡng thêm cho tư duy nghệ thuật từ kiến thức đến thực hành sáng tạo. Với các tác phẩm mọi người đang nhắc đến và tranh cãi, đều do các họa sĩ có tên tuổi thực hiện, người bảo không đẹp, người lại bảo đẹp nhưng không phù hợp, thế nhưng cũng có nhiều người thấy đẹp và rất trân quý, điều đó chứng minh mỗi người có mỹ cảm riêng tùy vào cảm xúc và những hiểu biết về nghệ thuật mà họ đang có.
Thiết nghĩ, cần giải thích cho người dân về nội dung, ý nghĩa, về giá trị nghệ thuật của những tác phẩm này, để họ hiểu hơn, dễ mở lòng mình hơn và đón nhận nó với cái tâm hoan hỷ như chính tác giả, người đã trao tặng nó cho làng bích họa và còn để cho nghệ thuật chân chính được có cơ hội tiếp cận gần hơn với người dân chứ không phải chỉ nằm trong phòng triển lãm.
Tôi tuyệt đối không ủng hộ việc xóa bỏ hay chỉnh sửa tác phẩm. Làng nghệ thuật cộng đồng là phục vụ cộng đồng, phục vụ người xem tranh, mà người xem tranh đâu phải chỉ có người dân hay những người không am hiểu nghệ thuật? Ở đây cũng không thiếu các bức tranh nhìn rất rõ nét, hình ảnh, nội dung dễ nhìn và dễ hiểu, gẫn gũi với người dân”.
3. Cùng với những ý kiến cho rằng chính những bức tranh mang tính trừu tượng sẽ góp phần mở rộng và nâng cao thị hiếu nghệ thuật cho người dân, thì đại đa số người xem vẫn cho rằng, nghệ thuật cộng đồng đầu tiên phải dành cho cộng đồng người dân bản địa ở đó trước.
Nghệ thuật cộng đồng là hoạt động nghệ thuật phi lợi nhuận lấy công chúng làm trọng tâm, phục vụ cho lợi ích lâu dài của cộng đồng. Các loại hình nghệ thuật ngày càng đa dạng, đa hình thái và pha trộn nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, nghệ thuật trong không gian công cộng vẫn là một loại hình đặc thù, luôn đòi hỏi song hành cả hai yếu tố: tính nghệ thuật của tác phẩm và không gian nơi tác phẩm đó tồn tại. Một nghệ sĩ sáng tạo cho rằng, mỗi loại hình nghệ thuật đều có nguyên tắc riêng của nó.
“Không phải một tác phẩm giá vẽ nào phóng to đưa lên tường thì được gọi là tranh tường. Tranh tường còn phải có nhiều yếu tố riêng để nó phát huy và tồn tại trong môi trường của nó. Nghệ thuật công cộng (public art) là phục vụ đại chúng chứ không phải cá nhân nên cái tôi của nghệ sĩ không quan trọng, điều này khác hoàn toàn với hội họa giá vẽ. Public art có những nguyên tắc riêng về thị giác, tín hiệu và bố cục. Tác phẩm phải tương tác, hòa nhập với không gian đặt tác phẩm” - một nghệ sĩ sáng tạo cho biết.
Những tranh biện sẽ góp phần để kích thích con người tìm hiểu và nâng cao kiến thức về nghệ thuật của mình. Hẳn nhiên, với một vùng đất đã định danh là không gian sáng tạo nghệ thuật, việc cần thiết chính là phải làm sao để các hoạt động giáo dục về nghệ thuật ngày càng được tổ chức nhiều hơn. Khi đã có kiến thức để tiếp nhận, thì sự khác biệt trong sáng tạo cũng dễ dàng được chấp nhận hơn.