Vì hạnh phúc của người khuyết tật
Từ sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng, những năm qua, các hoạt động hỗ trợ chính sách, chăm sóc cho người khuyết tật... đã từng bước giúp họ vượt qua rào cản, vươn lên hòa nhập cộng đồng, xã hội.
Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho người khuyết tật (NKT) không ngừng được triển khai. Năm 2022, các cấp hội NKT của tỉnh đã vận động hỗ trợ 4.115 lượt NKT với tổng số tiền 2,3 tỷ đồng cùng hiện vật là hơn 1,2 tấn gạo.
Trong năm 2022, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho NKT như: tạo cơ hội cho NKT tiếp cận, hòa nhập cộng đồng; vận động hỗ trợ 250 xe lăn, 18 xe lắc tay, 6 xe bại não, 10 giường tiếp cận, 42 chân giả hỗ trợ NKT. Hỗ trợ làm mới 2 nhà, sửa chữa 1 nhà với tổng giá trị 190 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa 30 công trình vệ sinh...
Các cấp hội còn tham gia phối hợp thực hiện Dự án tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho NKT giai đoạn II (tháng 9/2021 - 9/2024) gồm các hoạt động như tổ chức tập huấn về hòa nhập, sống độc lập, tiếp cận vật lý, phòng chống bạo lực về giới cho NKT...
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, toàn tỉnh vẫn còn hơn 70.000 NKT, đời sống của NKT phần lớn còn khó khăn. Cần xác lập những “địa chỉ nhân đạo” để kết nối, hỗ trợ những trường hợp khó khăn đặc biệt để hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo kịp thời. Hội NKT các cấp cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đồng hành, chăm lo cho hội viên; tiếp tục phát huy vai trò kết nối, đồng hành cùng NKT. Các sở ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành, tham mưu UBND tỉnh.
Ông Hứa Quốc Dũng - Chủ tịch Hội NKT tỉnh Quảng Nam cho biết, có thể nói, các cấp hội NKT thời gian qua đã có sự hỗ trợ từ UBND tỉnh và các sở ban ngành, sự tiếp sức của các tổ chức chính trị - xã hội.
Về chính sách chăm lo cho NKT, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 7704 về công tác trợ giúp NKT giai đoạn 2021 - 2030. Hội NKT cũng đã tiếp cận được nhiều tổ chức phi chính phủ với nhiều nội dung, hoạt động như: vấn đề hòa nhập, hỗ trợ và giúp đỡ NKT tại nhà; tập huấn nâng cao về giới; hỗ trợ sinh kế; đào tạo nghề.
“Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách dành cho NKT, thể hiện ở các lĩnh vực trao sinh kế, hỗ trợ các dịch vụ y tế, giao thông, giáo dục, việc làm… Đời sống vật chất, tinh thần NKT dần thay đổi.
Thời gian tới, mong muốn Đảng, Nhà nước, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các mạnh thường quân tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ nhân lực, vật lực, tạo cơ hội cho các tổ chức hội hoạt động. Bởi lẽ, nơi nào có tổ chức hội hoạt động, nơi đó NKT được quan tâm, tiếp cận nhiều hơn với các hoạt động hỗ trợ, chính sách” - ông Dũng nhấn mạnh.
Thực tế là đa số NKT đều thiếu hụt kỹ năng sống do phải sống trong môi trường khép kín, bị kìm hãm bởi sự thiếu hiểu biết của gia đình, bản thân không vượt thoát khỏi sự tự ti, mặc cảm, sự kỳ thị của xã hội.
Hội NKT đã phối hợp, kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức xã hội, giúp NKT và gia đình phát triển sinh kế, phát triển những kỹ năng sống, thay đổi nhận thức của NKT và gia đình. Tuyên truyền thúc đẩy việc thực thi pháp luật liên quan đến NKT. Từ đó, nhiều NKT đã vượt qua rào cản khó khăn và khiếm khuyết của bản thân, chịu khó học hỏi, vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều NKT phấn đấu trở thành chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng, tạo việc làm cho chính mình và người khác. Các nhóm sản xuất của NKT được hình thành như: nghề sản xuất hàng mộc, làm chổi đót, làm hương, hàng mã, cơ sở mát xa… đã đem lại việc làm cho NKT.