Cảnh báo đồ ăn vặt trước cổng trường

LÊ QUÂN 05/05/2023 09:02

Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm do đồ ăn vặt trước cổng trường học gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn của những loại thực phẩm hàng rong này.

Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại Quảng Nam. Ảnh: H.D
Phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại Quảng Nam. Ảnh: H.D

Khó kiểm soát

Vụ việc học sinh của Trường Tiểu học Quế Hiệp (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn) mới đây có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm dấy lên nhiều lo ngại với các bậc phụ huynh.

Cụ thể, ngày 20/4, trong giờ ra chơi, các em ra trước cổng trường mua kem ống ăn. Sau đó, các em có dấu hiệu ngộ độc với những triệu chứng như mệt mỏi, nôn và được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn. Công an xã Quế Hiệp đã lập biên bản và lấy mẫu kem gửi đi kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.

Hiện nay, khu vực quanh các điểm trường thường có nhiều quán hàng, xe đẩy bán đồ ăn vặt, đồ ăn nhanh. Những món ăn vặt này rất đa dạng và rẻ, bắt mắt. Tuy nhiên, việc quản lý về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với mặt hàng này chưa được chú trọng. Từ nguồn gốc nguyên liệu, phương thức chế biến đến khâu bảo quản đều tiềm ẩn những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

Thực phẩm trước cổng trường cũng như thức ăn đường phố, đều là những sản phẩm rất khó kiểm soát về ATTP. Theo quy định, đối với những cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố không yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) như các bếp ăn tập thể nhưng phải có giấy cam kết đảm bảo ATVSTP.

Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với các cơ sở này không dưới 4 lần/năm. Tuy nhiên, việc buôn bán không cố định, thường xuyên, thời gian buôn bán ngoài giờ hành chính và người kinh doanh thức ăn đường phố không đủ điều kiện để thực hành các yêu cầu vệ sinh như quy định nên việc kiểm tra, xử phạt chỉ mang tính nhắc nhở, chủ yếu tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người kinh doanh, buôn bán.

Tăng cường kiểm tra

Ông Trần Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, các em bị ngộ độc nhẹ và có dấu hiệu lây lan nên ngay sau đó nhà trường đã tổ chức sơ cấp cứu tại chỗ trước khi đưa các em đến trung tâm y tế.

Sau khi sự việc xảy ra, ông Toàn cho biết, địa phương đã nhắc nhở các chủ nhân tổ chức kinh doanh trước trường học tuân thủ các quy định về ATTP cũng như yêu cầu trường học kiểm soát và hạn chế học sinh mua quà vặt trước cổng trường.

“Chúng tôi tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh để nâng cao ý thức về ATTP, cũng như đã có kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm trên toàn địa bàn xã. Ngoài ra, tại các trường học, chúng tôi yêu cầu nhà trường thông báo quản lý học sinh và hạn chế ăn quà vặt trước cổng trường.

Đối với các cơ sở kinh doanh, chú ý nguồn gốc xuất xứ thực phẩm, thời hạn sử dụng của sản phẩm... Địa phương xác định vấn đề kiểm soát và quản lý ATTP hiện nay là hoạt động quan trọng” - ông Trần Anh Toàn nói.

Tuy nhiên, dù đã có ban chỉ đạo liên ngành về ATTP ở tuyến xã, nhưng câu chuyện kiểm soát và quản lý ở tuyến này vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Nếu phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm, lực lượng này mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, còn để kết luận thực phẩm có bảo đảm ATTP hay không thì đoàn liên ngành tuyến xã chưa đủ căn cứ kết luận, do thiếu dụng cụ kiểm tra chất lượng cũng như chế tài xử phạt.

Năm nay, chủ đề của Tháng hành động vì ATTP là “bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Bắt đầu từ ngày 15/4 - 15/5, Quảng Nam sẽ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP trên phạm vi toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Đại diện Chi cục ATVSTP cho biết, ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm ATTP, Tháng hành động vì ATTP năm 2023 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng như giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn...

LÊ QUÂN