“Được kiểm tra để nhận ra vấn đề từ thực tiễn”
Bí thư Thị ủy Điện Bàn - Phan Minh Dũng nói, nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ là chút khó khăn hiện tại. Nhưng về lâu dài với địa phương là một điều thuận lợi. Nếu làm việc không biết mình đúng hay sai thì sẽ không thể nào phát triển bền vững. Thị xã rất cầu thị, sẽ điều chỉnh phù hợp trên con đường định hướng phát triển thành một đô thị văn hóa - sinh thái - hiện đại và là một đô thị liên kết.
- Thị xã Điện Bàn đã có thể định vị thành một cực phát triển khu vực bắc Quảng Nam hay chưa, thưa ông?
- Ông Phan Minh Dũng: Kinh tế - xã hội địa phương chuyển dịch đúng hướng, sôi động, đô thị hóa nhanh (65%) và tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,78%. Tuy nhiên, thị xã chưa thể định vị thành một cực hay xung lực phát triển ở khu vực bắc Quảng Nam.
Địa phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý, thực hiện chính sách đất đai. Quy hoạch đô thị, nông thôn chưa tương thích, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất.
Tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp có xu hướng gia tăng. Nhiều bản án hành chính không thực thi được đã tạo bức xúc trong xã hội. Chính quyền các cấp tốn rất nhiều thời gian, công sức để giải quyết các vụ việc liên quan.
Nhiều dự án khu dân cư, đô thị chưa đảm bảo pháp lý, nhưng đã giao dịch, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự. Quản lý hiện trạng đất đai, trật tự xây dựng gặp khó.
Một số dự án treo (điển hình dự án Làng đại học Đà Nẵng) đã gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản trị xã hội trên địa bàn. Năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của tập thể lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, công chức thị xã (dù đã được nâng lên) nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của địa phương.
- Điện Bàn được xem là “điểm nóng” về số lượng dự án đầu tư. Những sự vụ liên quan vừa qua có tác động gì đến sự chỉ đạo, điều hành của thị xã?
- Ông Phan Minh Dũng: Trên địa bàn thị xã hiện có khoảng 300 dự án đang triển khai thực hiện (công, tư và 120 dự án khu dân cư, khu đô thị). Muốn phát triển kinh tế - xã hội cần phải có các chương trình, dự án.
Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Không thể xác định được giá đất cụ thể hay xác định nguồn gốc đất rất khó, khiến xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Chính quyền lúng túng trong việc thu hồi đất phải bố trí tái định cư, nhưng việc chuẩn bị này chưa tốt.
Thị xã có rất nhiều dự án phải thanh tra, kiểm tra. Có thể, trước mắt những sự vụ này khó khăn, nhưng về lâu dài đó là chuyện thuận lợi. Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra này, địa phương biết mình làm đúng hay sai. Nếu cứ làm mà mình không biết đúng hay sai thì sẽ không thể nào phát triển bền vững được. Thị xã rất cầu thị để điều chỉnh cho phù hợp.
Chúng tôi nhất quán quan điểm là “được kiểm tra chứ không phải bị kiểm tra” để nhận ra vấn đề từ thực tiễn, điều chỉnh hợp lý hơn trong quản trị xã hội tại địa phương. Có thể nói, quá trình đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng sẽ nảy sinh các mặt trái, tác động vào công tác quản lý rất nhiều vì lĩnh vực này nhạy cảm, rất dễ sai phạm (từ quản lý đất đai, tài chính ngân sách, đầu tư xây dựng...).
Để giải quyết những nút thắt này, ngoài tập trung công tác xây dựng Đảng, địa phương tập trung quản lý nhà nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sai phạm có thể xảy ra. Tùy vào thẩm quyền của các cấp để xử lý đúng quy định và luật định. Nếu vượt thẩm quyền thì sẽ đăng ký làm việc trực tiếp với các sở, ngành và chính quyền cấp trên, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Những vụ việc bất ổn của các dự án rộn lên thời gian qua thì trách nhiệm của thị xã trong giải phóng mặt bằng đã xong. Địa phương sẽ vào cuộc, bố trí lực lượng, theo dõi, cung cấp thông tin, làm sao bảo vệ cho được sự ổn định an ninh, trật tự địa bàn. Còn giải quyết các tranh chấp này là chuyện của các ngành, các cấp khác, theo thẩm quyền được giao.
- Thị xã chọn gì để tạo động lực phát triển?
- Ông Phan Minh Dũng: Thị xã Điện Bàn sẽ là một đô thị loại 3 trước năm 2030. Quy hoạch chung thị xã đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 đã được phê duyệt. Thị xã sẽ định hướng phát triển thành đô thị trung tâm động lực bắc Quảng Nam, gắn kết Đà Nẵng, Hội An, xây dựng thành công các chiến lược tăng cường kết nối, thiết lập hành lang xanh và định vị được bản sắc, giá trị đô thị. Sẽ quy hoạch đô thị văn hóa - sinh thái - hiện đại.
Phát triển thị xã thành một đô thị liên kết (không phải đô thị vệ tinh), không cạnh tranh, bổ trợ lẫn nhau với hai thành phố bên cạnh dựa trên nét khác biệt. Sự khác biệt chính là một đô thị sinh thái hiện đại với không gian đặc thù vùng ven biển, ven sông...
Thị xã có một nguồn tài nguyên khác biệt, không dễ địa phương nào có được là sự phân bố của hệ thống sông ngòi dày đặc, trải khắp vùng đồng bằng, ven biển. Sẽ có những hội thảo khoa học chuyên đề nghiên cứu, biến những lợi thế này thành nguồn lực, tạo cảnh quan sinh thái, điều hòa thủy văn mùa mưa lũ và tạo hạ tầng sông rạch có đô thị bám theo sông để tạo nên sự khác biệt.
Ngoài phát triển đô thị, gia tăng số phường thì cuộc cách mạng nông thôn mới sẽ luôn tiếp diễn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Một đô thị sinh thái dĩ nhiên nông nghiệp đô thị sẽ phải hướng đến gia tăng hàm lượng khoa học, công nghệ.
Tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu, tập quán canh tác sẽ ứng dụng khoa học công nghệ cao để vừa có sản phẩm hữu cơ, vừa có giá trị gia tăng cao. Không tính đến số lượng sản phẩm mà giá trị tổng sản lượng, thu nhập ròng cao mới là điều đáng quan tâm của một nền nông nghiệp đô thị!
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!