Tháng Tư về “miền đất lửa”

CHÂU NỮ 30/04/2023 07:58

(QNO) - Thật trùng hợp, mấy lần tôi đến Quảng Trị - vùng đất được mệnh danh là “miền đất lửa”, đúng dịp tháng Tư lịch sử. Lòng tôi dâng trào niềm xúc động, nhất là khi tôi viết bài này trong dịp kỷ niệm ngày thống nhất non sông đất nước - 30/4.

Nhiều du khách dừng chân khi đến cầu Hiền Lương. Ảnh: XUÂN HIẾU
Nhiều du khách dừng chân khi đến cầu Hiền Lương. Ảnh: XUÂN HIẾU

Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đường 9 Khe Sanh, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, khu di tích trụ sở Chính phủ cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, địa đạo Vịnh Mốc…-  những di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, mà dường như khi đến với mảnh đất anh hùng này, cũng cũng muốn đến thăm ít nhất một lần, để hiểu hơn về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, để ngưỡng vọng, tri ân và trân quý hơn cuộc sống hòa bình hôm nay.

Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: XUÂN HIẾU
Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: XUÂN HIẾU

Mỗi di tích lịch sử cách mạng đều nhắc nhớ du khách về một thời lửa đạn. Có ai rảo bước qua cầu Hiền Lương mà không thắt lòng nhớ về một thời đất nước bị chia cắt. Vĩ tuyến 17 chạy dọc sông Bến Hải, những tưởng chỉ là ranh giới quân sự tạm thời, nhưng không, lịch sử đã khắc ghi: "Cầu Hiền Lương, sông Bến Hải trở thành nỗi đau chia cắt hai miền Nam - Bắc suốt 20 năm!".

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô cực lớn với hơn 140 nghìn mét vuông, hơn 10 nghìn phần mộ, không chỉ là nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng của tinh thần đấu tranh, của khát vọng hòa bình, là nơi để du khách và thế hệ hôm nay thăm viếng, tri ân, tưởng niệm.

Viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: XUÂN HIẾU
Viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: XUÂN HIẾU

Còn nhớ, lần đầu đặt chân đến Thành Cổ (xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng), tôi như nghe vang vọng trong niềm xúc động những câu hát trong bài “Cỏ non Thành Cổ” của cố nhạc sĩ Tân Huyền: “Cỏ non Thành Cổ bột màu xanh non tơ/ Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa/ Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ…".

Viếng hương Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: XUÂN HIẾU
Viếng hương Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: XUÂN HIẾU

Thành Cổ Quảng Trị đã hứng chịu đến 328 nghìn tấn bom đạn trong 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972). Theo sử sách: “Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị là một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam".

Địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh) có chiều dài đường hầm hơn 1.060m cùng các ngóc ngách, căn hộ, cửa ra vào, khiến tôi cũng như bao người ngỡ ngàng và khâm phục ý chí của nhân dân, chiến sĩ ta, như lời một hướng dẫn viên du lịch có lần giới thiệu với chúng tôi trong lần đến đây: "Địa đạo Vịnh Mốc là công trình thể hiện trí tuệ, nghị lực phi thường, ý chí và quyết tâm của quân dân Vĩnh Linh anh hùng; là di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo, có nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước...".

Đền thờ vua Hàm Nghi ở huyện Cam Lộ. Ảnh: C.N
Đền thờ vua Hàm Nghi ở huyện Cam Lộ. Ảnh: C.N

Ngoài những di tích quen thuộc, lần này đến Quảng Trị, tôi có dịp đến thăm đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương tại di tích quốc gia thành Tân Sở (huyện Cam Lộ). Đây có thể được xem là điểm đến mới du khách phương xa khi đến Quảng Trị. Đền thờ được huyện Cam Lộ xây dựng và khánh thành năm 2020, đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương.

Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương có 5 gian: chính giữa là gian thờ vua; hai bên là các gian thờ Binh bộ Thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kỳ vỹ Quận công Nguyễn Văn Tường cùng các tướng sĩ Cần Vương, các văn thân sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương. Kkhông gian linh thiêng, mang đậm nét kiến trúc nhà Nguyễn của đền thờ trở thành điểm đến tâm linh đối với du khách.

CHÂU NỮ