Gia tăng doanh nghiệp rời bỏ thị trường

TRỊNH DŨNG 27/04/2023 06:42

Chưa có cuộc điều tra, khảo sát nào để có thể phân tích cụ thể về nguyên nhân doanh nghiệp rời bỏ thị trường ngày càng gia tăng. “Sự vụ” này có phải là điều bất ổn của nền kinh tế?

Phần lớn doanh nghiệp Quảng Nam thiếu sức cạnh tranh, luôn đứng trước nguy cơ rời bỏ thị trường (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.D
Phần lớn doanh nghiệp Quảng Nam thiếu sức cạnh tranh, luôn đứng trước nguy cơ rời bỏ thị trường (ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: T.D

Rời bỏ thị trường

Chính quyền Quảng Nam đã khá thành công trong việc kích thích phong trào khởi nghiệp, dựng nghiệp khi đạt hơn 8.200 doanh nghiệp hoạt động trên thị trường vào năm 2020. Song, vẫn chưa thể thành công trong việc giúp doanh nghiệp đủ năng lực “sống sót”.

Thống kê của Sở KH-ĐT 3 năm gần đây nhất cho thấy số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường tiếp tục gia tăng. Số lượng doanh nghiệp rời bỏ gần bằng số doanh nghiệp gia nhập mới (3.213/3.341 doanh nghiệp).

Khốc liệt hơn, ở quý I/2023, trong khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường chỉ 281 thì đã có đến 620 doanh nghiệp rời bỏ thị trường (đồng nghĩa cứ mỗi tháng có hơn 210 doanh nghiệp đóng cửa), trở thành thời điểm có số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong một quý lớn nhất trong lịch sử kinh doanh địa phương.

“Niềm lạc quan” duy nhất là số lượng doanh nghiệp chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 81%), tức chưa khai tử mà vẫn còn chờ cơ hội để hồi sinh.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, bên cạnh tín hiệu khả quan đến từ số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường thì số liệu về doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy sự ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh và sự bất ổn của nền kinh tế thế giới vẫn còn lâu dài.

Số lượng doanh nghiệp gia nhập mới và rời bỏ thị trường tương đương nhau là dấu hiệu không bình thường. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, lo ngại, cảnh bảo về một sự bất an, tiềm ẩn của nền kinh tế. Nhưng, ngược lại, các cơ quan quản lý cho rằng điều đó không có gì bất ngờ hay đột biến.

Thành lập một doanh nghiệp rất dễ. Không cần trình độ, không cả chiến lược kinh doanh, bất cứ ai cũng có thể trở thành một chủ doanh nghiệp, một giám đốc điều hành. Sản xuất, kinh doanh gặp may, thuận lợi sẽ tiếp tục trụ lại. Thiếu sinh lực thì rút khỏi thị trường.

Những ngành nghề kinh doanh không phù hợp, hết cơ hội phát triển khi thị hiếu tiêu dùng thay đổi hoặc chủ doanh nghiệp không đủ tinh thần, bản lĩnh chịu đựng được sự khắc nghiệt của thị trường... thì rời bỏ thị trường là chuyện đương nhiên và thường xuyên xảy ra.

Sức khỏe doanh nghiệp là thước đo của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp “biến mất” cho thấy sức khỏe của doanh nghiệp đã yếu đi rõ rệt. Tuy nhiên, cũng khó lý giải tại sao có rất nhiều doanh nghiệp ra đi, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp thành lập.

Ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc VCCI Đà Nẵng nói năng lực quản trị, cạnh tranh yếu, thiếu định hướng kinh doanh, sẽ đặt doanh nghiệp trước những rủi ro khó lường. Sẽ rất dễ bị tổn thương, dễ bị phá sản. Thành lập dễ nhưng dưỡng nuôi, vận hành doanh nghiệp ổn định, hiệu quả là điều không dễ dàng gì.

Một doanh nghiệp khỏe mạnh không thể đi bằng đôi chân yếu ớt, chỉ dựa vào vốn vay ngân hàng, công nghệ lạc hậu, quản trị theo kiểu gia đình, sản phẩm không phù hợp với thị trường. Sự đào thải của thị trường sẽ khiến không ít doanh nghiệp phá sản, gây hệ lụy cho nền kinh tế. Nhưng đó cũng là sự sàng lọc, một “cuộc lọc máu” để tồn tại những doanh nghiệp mạnh khỏe trong cơ thể của nền kinh tế.

Cần điều tra, khảo sát

Không kể những dự án đầu tư chấm dứt, doanh nghiệp kết thúc do “tham dự” vào hoạt động phi pháp hoặc vì áp lực cạnh tranh, thiếu năng lực quản trị thì những “cái chết” của doanh nghiệp bị tác động từ môi trường kinh doanh không minh bạch hay vì không còn năng lực tài chính, hoặc ngân sách “mắc nợ” chưa trả được… là điều đáng bàn.

Trên thực tế, không có một tính toán đầy đủ quy mô nợ dây chuyền giữa các doanh nghiệp hoặc không biết bao nhiêu doanh nghiệp không thể thu hồi được công nợ nhà nước, phải lâm vào cảnh tệ hại, nợ xấu ngân hàng và nợ cả thuế… để cứu những doanh nghiệp không đáng “chết” vì kiểu nợ này. Phải có cách gì hướng dẫn, giúp đỡ họ trở lại thị trường chứ họ đã đầu tư hàng tỷ đồng, không thể bỏ được.

Theo ông Trần Văn Ẩn – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT thì Quảng Nam có đến 97% doanh nghiệp nhỏ. Những doanh nghiệp này giống như một hộ cận nghèo. Thoát đó rồi tái nghèo đó. Thành lập rồi giải thể.

Tuy nhiên, nếu có thể nhận diện được lý do cụ thể vì sao doanh nghiệp “chết” hay có nguy cơ bị khai tử để họ có thể gia tăng cơ hội sống sót thì đó là giải pháp hiệu quả nhất để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và lập nghiệp.

Không một chính quyền nào đủ lực để cứu hết những doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường. Doanh nghiệp phải dựa vào nội lực để tồn tại. Doanh nghiệp phá sản chắc chắn sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế.

Nhưng thay vì chỉ đưa ra những con số báo cáo thống kê tăng, giảm thì cần những cuộc khảo sát, phân tích đến ngọn nguồn, định danh những yếu tố bất ổn khiến doanh nghiệp giải thể, phá sản.

Nghiên cứu chính các doanh nghiệp rời bỏ thị trường, đưa ra những phương thức giải quyết, giúp nhóm doanh nghiệp có nguy cơ “tử vong” cao nhất gia tăng cơ hội sống sót, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh… Rất tiếc, điều này hiện tại vẫn không thể thực hiện được.

TRỊNH DŨNG