Ngăn ngư dân trục lợi chính sách
Qua quá trình tuần tra, thực thi pháp luật trên biển, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện nhiều trường hợp tàu cá có dấu hiệu trục lợi từ chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.
Ra biển chỉ để... bấm tọa độ
Đầu tháng 4 vừa qua, tàu Cảnh sát biển 4038 (thuộc Hải đội 212, Hải đoàn 21, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2) có chuyến tuần tra, thực thi pháp luật trên các vùng biển chủ quyền thuộc phạm vi quản lý của vùng.
Trong quá trình tuần tra, tại vùng biển cách Đông Bắc Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) khoảng hơn 40 hải lý, tổ liên ngành trên tàu Cảnh sát biển 4038 kiểm tra tàu cá mang số hiệu ĐNa-90479TS đang thả trôi trên biển. Trên tàu chỉ có duy nhất thuyền trưởng.
Làm việc với tổ liên ngành, thuyền trưởng M. điều khiển tàu cá này cho hay tàu xuất bến từ ngày 1/4, đăng ký xuất bến gồm có 4 thuyền viên, đủ định biên tối thiểu theo quy định.
Tuy nhiên, giải thích về việc trên tàu chỉ có một người, ông M. nói các thành viên đi đánh bắt thì xảy ra mâu thuẫn nên đã gửi tàu bạn cho ngư dân về bờ. Tuy nhiên, ông M. không nhớ các ngư dân trên tàu về bờ bằng phương tiện gì.
Kiểm tra tàu đánh cá của ông M., cơ quan chức năng nhận thấy các khoang chứa hải sản không cất trữ đá lạnh dùng để cấp đông hải sản. Đây là điều “bất thường” đối với các tàu đánh bắt hải sản dài ngày như tàu cá ông M.
Tương tự, tại vùng biển khu vực Đông Bắc Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), tổ liên ngành tiếp tục phát hiện tàu BĐ-97732TS công suất 710CV, do ông Q. (trú Bình Định) làm thuyền trưởng, trên tàu chỉ có 2 người.
Ngoài ông Q., chỉ có một thợ máy, 2 ngư dân đăng ký xuất bến đã về bờ. Ông Q. khai nhận khi tàu xuất bến, đã thả thúng cho 2 ngư dân tự bơi vào bờ. Lý do được thuyền trưởng này đưa ra là một ngư dân bị ốm, một ngư dân khác bận việc nên xin không tham gia chuyến biển.
Theo quy định, các tàu của ngư dân khi đánh bắt ngoài biển đều phải đảm bảo định biên tối thiểu tùy theo công suất của tàu cá. Đối với 2 tàu cá nói trên, định biên tối thiểu là 4 người.
Thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, trên tàu chỉ có 1 đến 2 người là thiếu định biên tối thiểu, vi phạm quy định khi đánh bắt trên vùng biển. Các chủ tàu này khai nhận ra biển nhắn tin tọa độ về trạm bờ để làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 48 về chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Tăng cường tuyên truyền
Đại tá Trần Hồng Quế - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho hay, với hai trường hợp nói trên, tổ liên ngành đã lập biên bản, yêu cầu các tàu này quay về bờ và thông báo lực lượng Bộ đội Biên phòng 2 địa phương Đà Nẵng và Bình Định tiếp nhận và xử lý vụ việc.
Theo Đại tá Trần Hồng Quế, thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã phối hợp với nhiều đơn vị trong rà soát, quản lý đăng kiểm, kiểm tra các tàu cá của ngư dân; trong đó có việc kiểm tra định biên an toàn đối với thuyền viên trên tàu.
“Cảnh sát biển tập trung thực thi pháp luật, xử lý các vi phạm đối với lĩnh vực đơn vị phụ trách. Chúng tôi cùng với nhiều đơn vị tăng cường ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm như gửi thiết bị giám sát hành trình cho các tàu cá khác, ngắt kết nối có chủ ý thiết bị giám sát hành trình tàu cá.
Việc này nhằm đảm bảo an toàn trước hết cho ngư dân vươn khơi bám biển, đảm bảo đúng quy định pháp luật cũng như công bằng cho tất cả các ngư dân khi tham gia đánh bắt” - Đại tá Trần Hồng Quế nói.
Về giải pháp ngăn chặn việc ngư dân trục lợi từ chính sách hỗ trợ, Đại tá Trần Hồng Quế khẳng định thời gian qua Cảnh sát biển đã tích cực tuyên truyền trên bờ và trên biển đối với ngư dân, nêu cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định khi tham gia đánh bắt.
“Ngư dân phải hiểu việc đảm bảo định biên là yếu tố rất quan trọng, giúp xử lý các sự cố xảy ra trên biển, đảm bảo an toàn phương tiện, tính mạng và tài sản của bà con. Bên cạnh tuyên truyền, chúng tôi cũng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và sẽ có các biện pháp phối hợp xử lý nghiêm hành vi trục lợi chính sách nếu ngư dân cố tình vi phạm” - Đại tá Trần Hồng Quế nói.