Chiến dịch tiêm chủng toàn cầu

QNN 26/04/2023 14:46

(QNO) - The Big Catch-up (tạm dịch là bắt kịp) - chiến dịch đánh dấu Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2023 diễn ra từ ngày 24 đến 30/4.

Thế giới mở chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn từ ngày 24 đến 30/4 để cứu lấy hàng triệu trẻ em. Ảnh: GAVI
Thế giới mở chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn từ ngày 24 đến 30/4 để phòng bệnh cho hàng triệu trẻ em. Ảnh: GAVI

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Bill & Melinda Gates, Chương trình nghị sự tiêm chủng 2030 cùng nhiều đối tác y tế toàn cầu và quốc gia đang hợp lực để triển khai chiến dịch The Big Catch-up - một nỗ lực toàn cầu có mục tiêu tăng cường và khôi phục tiến trình tiêm chủng cho hàng triệu trẻ em bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Thế giới mở chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chứng kiến mức độ tiêm chủng thiết yếu giảm ở hơn 100 quốc gia, dẫn đến sự bùng phát của bệnh sởi, bạch hầu, bại liệt và sốt vàng da...

WHO lý giải, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các dịch vụ y tế quá tải, phòng khám đóng cửa và việc xuất nhập khẩu lọ, ống tiêm và các vật tư y tế khác bị gián đoạn. 

Trong khi đó, các cộng đồng và gia đình bị phong tỏa, hạn chế đi lại và tiếp cận các dịch vụ, đồng thời nguồn lực tài chính và nhân lực bị hạn chế cùng khả năng tiếp cận các mặt hàng y tế do phản ứng khẩn cấp. Những thách thức đang diễn ra như xung đột, khủng hoảng khí hậu và do dự tiêm vắc xin cũng góp phần làm giảm tỷ lệ tiêm chủng bao phủ.

Cạnh đó, The Big Catch-up nhằm đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh mẽ hơn cho tiêm chủng thiết yếu trong tương lai.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO cho biết: "Hàng triệu trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp bỏ lỡ việc tiêm vắc xin cứu sống trong khi sự bùng phát của những căn bệnh chết người này gia tăng. WHO đang hỗ trợ hàng chục quốc gia khôi phục tiêm chủng và các dịch vụ y tế thiết yếu khác. Bắt kịp là ưu tiên hàng đầu. Không đứa trẻ nào phải chết vì một căn bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin".

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nói: "Chúng ta càng chờ đợi lâu để tiếp cận và tiêm phòng cho những đứa trẻ này thì chúng càng dễ bị tổn thương hơn và nguy cơ bùng phát dịch bệnh chết người càng cao. Các quốc gia, đối tác toàn cầu và cộng đồng địa phương phải cùng nhau củng cố các dịch vụ, xây dựng lòng tin và cứu sống nhiều người". 

Tiến sĩ Chris Elias - Chủ tịch bộ phận Phát triển toàn cầu của Quỹ Bill & Melinda Gates khẳng định: "Vắc xin là một chiến thắng của sức khỏe cộng đồng. Tiến bộ đáng kinh ngạc đã đạt được trong việc chấm dứt bệnh bại liệt và giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm là kết quả trực tiếp của hàng nghìn đối tác toàn cầu và nhân viên y tế địa phương tận tụy - người đã làm việc để tiêm chủng cho hàng triệu trẻ em".

WHO thống kê, chỉ riêng năm 2021 có hơn 25 triệu trẻ em thiếu ít nhất một mũi tiêm chủng. Sự bùng phát của các bệnh có thể phòng ngừa được, bao gồm sởi, bạch hầu, bại liệt và sốt vàng da vì thế đang trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn.

QNN