Thẩm tra dự án luật từ thực tiễn cơ sở

QUỐC TUẤN 26/04/2023 06:40

Ngày 24/4, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội có buổi khảo sát tại TP.Hội An và làm việc với UBND tỉnh phục vụ thẩm tra dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Dịp này, các bên đã chia sẻ, thảo luận nhiều vấn đề là cơ sở thực tiễn quan trọng để cơ quan thẩm quyền xem xét, hoàn thiện nội dung 2 dự án luật nói trên.

Đại diện Ban bảo vệ dân phố phường Cẩm An chia sẻ thông tin với đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội. Ảnh: Q.T
Đại diện Ban bảo vệ dân phố phường Cẩm An chia sẻ thông tin với đoàn công tác của Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội. Ảnh: Q.T

Vai trò của lực lượng cơ sở

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.008 công an viên bán chuyên trách, bố trí tại 1.008 thôn, lực lượng này hưởng phụ cấp bằng 0,75 mức lương cơ sở. Tỉnh cũng có 1.004 bảo vệ dân phố, tùy theo vị trí sẽ hưởng mức phụ cấp từ 0,65 đến 1.0 mức lương tối thiểu chung.

Với lực lượng dân phòng, Quảng Nam có 1.240 đội dân phòng với 2.480 người hưởng phụ cấp. Cả 3 lực lượng trên hiện vận hành với nguồn kinh phí đảm bảo từ ngân sách tỉnh và một phần từ ngân sách cấp huyện, xã.

Cơ quan quản lý địa phương đều chung nhận định, dù chế độ phụ cấp còn khiêm tốn nhưng các lực lượng này đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở.

Đơn cử, tại phường Cẩm An, trong suốt năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 địa phương không xảy ra các vụ phạm pháp hình sự về ma túy; chưa phát hiện trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy, được đoàn công tác đánh giá rất cao về địa bàn “sạch”. Tại phường Cẩm An, trung bình một tháng, trưởng và phó ban bảo vệ dân phố tham gia trực 10 đêm mỗi người cùng với lực lượng công an chính quy.

Ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Đảng ủy phường Cẩm An nói, bảo vệ dân phố là cánh tay nối dài, là lực lượng có đóng góp đắc lực cho việc bảo vệ ANTT tại địa phương. Ở Cẩm An, thành viên tổ bảo vệ dân phố có thể vừa là thành viên tổ dân phòng, vừa đảm bảo ANTT, phòng cháy chữa cháy kể cả tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn ven biển khi có sự cố.

Thượng tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh đề xuất, cần quy định cụ thể tổ chức lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở tùy theo khu vực đô thị, nông thôn cho phù hợp. Đơn cử như thành lập ban bảo vệ ANTT ở cấp xã, phường, thị trấn gồm có trưởng ban và phó ban; thành lập tổ bảo vệ ANTT ở cấp thôn từ 3 - 5 người, trong đó tổ dân phố thuộc phường hoặc thị trấn thì bố trí 5 người, thôn thuộc xã thì bố trí 3 người.

Cần hướng đến sự đồng bộ

Tham gia đoàn khảo sát, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội nói, chúng ta hiện có rất nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hộ tịch, đất đai… nhưng không đồng bộ, không liên thông được. Và yêu cầu đặt ra trong dự thảo luật lần này là bố trí ngân sách như thế nào, lực lượng ra sao để tích hợp được các hệ thống cơ sở dữ liệu này với nhau.

Thực tế khảo sát cho thấy, ngay cả với địa bàn có nhiều thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển như Hội An thì việc liên thông, đồng bộ dữ liệu vẫn gặp nhiều khúc mắc nên mở rộng ở phạm vi toàn tỉnh việc gặp nhiều khó khăn là tất yếu.

Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thông tin, tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Giang còn hơn 43%, chỉ khoảng 50% số thôn được phủ sóng wifi cộng đồng, lại thêm một lượng lớn dân cư chưa có điện thoại thông minh nên không dễ gì có thể đẩy nhanh việc cấp định danh điện tử VNeID cũng như đáp ứng các yêu cầu về đồng bộ, khớp nối dữ liệu số như mong muốn đề ra của dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, đúng là mỗi tỉnh thành có điều kiện, đặc thù riêng nhưng khi ban hành chính sách rất cần sự đồng bộ từ cấp trung ương. Bởi thực tiễn thời gian qua ở Quảng Nam cho thấy, HĐND tỉnh có thể ban hành nghị quyết nhưng chưa chắc khi triển khai tạo ra ảnh hưởng đến sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương.

Về dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, Thượng tá Hồ Song Ân đề nghị xác định rõ khái niệm “cơ quan quản lý căn cước” để có sự thống nhất trong công tác quản lý; đồng thời xác định “cơ quan quản lý căn cước”, cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, khái niệm “quê quán” được quy định tại Luật Hộ tịch 2014 hiện có nhiều tranh luận, cách hiểu khác nhau liên quan đến việc xác định quê quán của công dân nên nếu đưa nội dung này vào dự án Luật Căn cước công dân thì cần phải có quy định rõ ràng để thuận lợi cho công dân cũng như các cơ quan thực thi khi luật được ban hành.

QUỐC TUẤN