Dư địa cải cách còn nhiều

TRỊNH DŨNG 25/04/2023 06:30

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2022 về đo lường sự hài lòng của người dân Quảng Nam đã tăng cả điểm và thứ hạng. Tuy nhiên, kết quả này vẫn nằm trong tốp trung bình cao, vẫn còn nhiều điều phải cải thiện.

Sự linh hoạt, điều hành của chính quyền hay cung ứng dịch vụ công, thủ tục hành chính công đã ít nhiều nhận được sự hài lòng của người dân. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra dự án ở vùng Đông. Ảnh: T.D
Sự linh hoạt, điều hành của chính quyền hay cung ứng dịch vụ công, thủ tục hành chính công đã ít nhiều nhận được sự hài lòng của người dân. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh kiểm tra dự án ở vùng Đông. Ảnh: T.D

Thăng hạng, tăng điểm

Chương trình phát triển Liên hiệp quốc - UNDP công bố PAPI 2022 Quảng Nam có tổng điểm 42,24, xếp vị thứ 31/63 tỉnh thành. Kết quả này thăng hạng 4 bậc, tăng 0,14 điểm so năm 2021 (PAPI 2021 Quảng Nam chỉ đạt 42,1 điểm, xếp vị thứ 35/63 tỉnh, thành).

Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, cải cách hành chính vẫn chưa thể đáp ứng được sự hài lòng của người dân. Ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ người dân ở một số cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa cao. Việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn chậm... Có rất nhiều lý do để tăng điểm, thăng hạng hay trồi sụt.

UBND tỉnh sẽ mở cuộc phân tích cụ thể, đánh giá, đo lường lại các lĩnh vực cải cách để cải thiện. Sẽ hướng đến một cuộc tổng lực cải cách với sự tham gia, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, xã hội với sự kiện toàn năng lực đội ngũ công bộc địa phương và từ sự giám sát của người dân, toàn xã hội. Sẽ bàn phương án cải thiện tất cả chỉ số (PCI, PAR INDEX, SIPAS...), không riêng gì PAPI.

Theo phân tích, Quảng Nam có 5/8 chỉ số tăng điểm (Tham gia của người dân cấp cơ sở; Công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Thủ tục hành chính công; Quản trị điện tử) và 3 chỉ số giảm điểm (Kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường).

Khảo sát cũng ghi nhận địa phương có 1 chỉ số nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất (Cung ứng dịch vụ công, dù giảm 0,06 điểm - 8,06/8,12); 2 chỉ số thuộc nhóm điểm trung bình cao (Công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân) và 5 chỉ số đạt điểm trung bình thấp (Tham gia người dân cấp cơ sở; Kiểm soát tham nhũng khu vực công; Thủ tục hành chính công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử).

So với kết quả PAPI 2021, năm 2022 Quảng Nam thuộc nhóm 33 tỉnh, thành phố có mức độ cải thiện đáng kể ở chỉ số nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, thuộc 18 tỉnh thành cải thiện tốt ở chỉ số “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” và thuộc 30 tỉnh, thành có nhiều cải thiện ở chỉ số “Quản trị điện tử”.

Tuy nhiên, Quảng Nam lại thuộc 29 tỉnh thành giảm sút đáng kể ở chỉ số “Quản trị môi trường”, thuộc 18 tỉnh thành tụt điểm chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Chỉ số “Cung ứng dịch vụ công” dù thuộc nhóm đạt điểm cao nhất, vẫn bị liệt vào nhóm 18 tỉnh thành giảm sút đáng kể về chỉ số này.

Thăng hạng, tăng điểm, nhưng chỉ số PAPI 2022 của địa phương vẫn chỉ dừng ở nhóm tỉnh thành có chỉ số trung bình cao. Sau 14 năm tham dự vào “cuộc đua” điểm số, xếp hạng hiệu quả quản trị và hành chính công, bản đồ nhiệt cạnh tranh của địa phương luôn trồi sụt bất thường.

Thống kê gần đây nhất, từ 2014 - 2022, PAPI của Quảng Nam luôn ở mức thấp, không như kỳ vọng. Các cuộc công bố ghi nhận, từ vị thứ 30 năm 2016, lên hạng 27 năm 2017, rồi lại rơi về vị thứ 44 năm 2018.

Tỷ lệ người dân đánh giá về tính công khai, minh bạch, hay sự tham gia của người dân cấp cơ sở trong việc ra quyết định của chính quyền về công khai quy hoạch đất đai, các chính sách... vẫn còn thấp. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu quy hoạch chi tiết xây dựng Khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương (huyện Thăng Bình). Ảnh: T.D
Tỷ lệ người dân đánh giá về tính công khai, minh bạch, hay sự tham gia của người dân cấp cơ sở trong việc ra quyết định của chính quyền về công khai quy hoạch đất đai, các chính sách... vẫn còn thấp. Trong ảnh: Người dân tìm hiểu quy hoạch chi tiết xây dựng Khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương (huyện Thăng Bình). Ảnh: T.D

Việc chọn cải cách PAPI vào đánh giá, xếp hạng hay lồng ghép phù hợp việc kiểm tra thực hiện cải thiện chỉ số này vào nội dung kiểm tra cải cách hành chính hàng năm các sở, ngành, địa phương... đã đưa Quảng Nam thăng hạng liên tục trong vòng 2 năm (2019 thăng 22 bậc, xếp vị thứ 22 và năm 2020 thăng hạng 1 bậc, xếp vị thứ 21).

Không thiếu kế hoạch, chương trình cải thiện, nhưng bất ngờ sang năm 2021, PAPI của Quảng Nam lại rớt hạng và giảm điểm (so năm 2020, giảm 1,18 điểm, giảm đến 14 bậc trên bảng xếp hạng - vị thứ 35). Năm 2022, chỉ số này đã thay đổi, khi tăng điểm và thăng hạng (vị thứ 31). Nghĩa là cải cách đã hiệu quả?

Tự soi mình để cải thiện năng lực quản trị

Kế hoạch chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) Quảng Nam thuộc nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước kể từ năm 2021 đã không thể thực hiện được. Niềm vui duy nhất đáng kể là có tăng điểm, thăng hạng.

Tuy nhiên, điểm số, vị thứ vừa được công bố không thể lọt vào tốp khá, chỉ nằm ở nhóm các tỉnh thành có điểm số trung bình cao, là những thống kê đáng thất vọng về hiệu quả quản trị và hành chính công dưới sự giám sát, đo lường của người dân.

Các phân tích chỉ ra, có hơn 52,2% người dân đánh giá chưa hài lòng trong việc chính quyền tạo điều kiện để người dân tham gia vào các hoạt động của chính quyền; 48% người dân đánh giá không cao về tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách; hơn 56% người dân cho rằng trách nhiệm giải trình với người dân không thỏa đáng; gần 35% người dân đánh giá không cao về việc kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Và có đến 68% hay 70% người dân còn xa lạ với quản trị môi trường và quản trị điện tử của các cấp chính quyền địa phương.

Chắc chắn sẽ có không ít câu hỏi tại sao không thiếu nghị quyết, quyết định, kế hoạch, đề án, nhưng càng cải cách lại càng “giậm chân tại chỗ” hay đi thụt lùi, nếu tăng thì nhỏ giọt và có thể mất điểm bất cứ lúc nào.

Tại sao những nỗ lực cải cách hành chính, hiện thực hóa các nghị quyết, chỉ thị, kiên trì mục tiêu một chính quyền phục vụ làm hài lòng người dân, hướng đến xây dựng một nền hành chính minh bạch, hiệu quả… lại không thể phát huy tác dụng.

Có phải, các cơ quan công quyền chưa thực thi đúng các chỉ thị, nghị quyết và áp dụng luật pháp một cách nhất quán “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”… Những thống kê trên cho thấy, sự hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh còn nhiều dư địa để cải cách.

Theo Chương trình phát triển Liên hiệp quốc - UNDP, báo cáo PAPI không coi trọng việc xếp hạng, so sánh các tỉnh thành với nhau. Chính quyền các tỉnh thành không nên quá coi trọng địa phương mình thuộc nhóm nào.

Các tỉnh thành có cùng điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và vùng địa lý có thể tham khảo, học hỏi lẫn nhau. Chỉ số tổng hợp PAPI đóng vai trò như một “tấm gương” để từng địa phương “soi chiếu” chung về hiệu quả công tác điều hành và cung ứng dịch vụ công trong năm qua và so với các năm trước.

Thay vì quan tâm tới thứ bậc hay so với các địa phương khác trong một năm, các cấp chính quyền cần nhìn vào từng thước đo cụ thể để nhìn lại những gì đã làm được hay chưa làm được, quan tâm đến những chuyển biến qua các năm trong hiệu quả quản trị và hành chính công của địa phương mình. Từ đó tìm giải pháp cải thiện và đổi mới trong năm tiếp theo để nhận sự hài lòng, kỳ vọng từ người dân.

TRỊNH DŨNG