Ô nhiễm không khí khiến hơn 1.200 trẻ em châu Âu tử vong mỗi năm
(QNO) - Dù chất lượng không khí được cải thiện đáng kể tại châu Âu thì số người tử vong vì ô nhiễm vẫn ở mức đáng quan tâm. Lần đầu tiên, nghiên cứu của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) tập trung đặc biệt vào trẻ em.
Hôm nay 24/4, báo cáo của EEA cho biết, ô nhiễm không khí gây ra hơn 1.200 ca tử vong mỗi năm ở người dưới 18 tuổi trên khắp châu Âu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính sau này trong cuộc đời.
Báo cáo của EEA được đưa ra sau khi nghiên cứu ở hơn 30 quốc gia, bao gồm 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
EEA khẳng định, bất chấp những cải thiện gần đây, mức độ ô nhiễm không khí ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt ở khu vực Trung và Đông Âu, Italia vẫn cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 97% dân số thành thị châu Âu vào năm 2021 tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Báo cáo không đề cập đến các quốc gia công nghiệp lớn gồm Nga, Ukraine và Vương quốc Anh, cho thấy tổng số người tử vong vì ô nhiễm không khí ở lục địa này còn có thể cao hơn.
Tháng 11 năm ngoái, EEA thông báo 238 nghìn người chết sớm vì ô nhiễm không khí vào năm 2020 tại EU, thấp hơn 45% so với năm 2005.
Dù số ca tử vong sớm ở người dưới 18 tuổi thấp so với tổng dân số châu Âu, ca tử vong sớm trong cuộc đời cho thấy sự mất mát tiềm năng trong tương lai và đi kèm với gánh nặng đáng kể về bệnh mãn tính, cả trong thời thơ ấu và sau này trong cuộc sống.
Bởi vậy, EEA kêu gọi các nhà chức trách tập trung vào việc cải thiện chất lượng không khí xung quanh trường học, nhà trẻ cũng như cơ sở thể thao và trung tâm giao thông công cộng tại khu vực.
Năm 2022, EEA nhấn mạnh rằng EU đang trên đà đạt được mục tiêu giảm 50% số ca tử vong sớm vào năm 2030 so với năm 2005.
Phải đến tháng 9/2021, các bên mới đạt được thỏa thuận nhằm siết chặt các hạn chế đối với các chất gây ô nhiễm phổ biến kể từ năm 2005.
WHO thống kê, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của 7 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, bao gồm khoảng 200 nghìn trẻ dưới 15 tuổi.
Người tiếp xúc với vật chất dạng hạt mịn, hay PM2.5 từ khói thải của phương tiện giao thông hoặc hoạt động của nhà máy nhiệt điện than có thể xâm nhập vào đường hô hấp, làm trầm trọng thêm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản, hen suyễn và bệnh phổi...