Nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nông lâm thủy sản
UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 2400 thực hiện Đề án “Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Ngoài mục tiêu bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, đề án hướng đến nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và quốc tế.
Kế hoạch của UBND tỉnh nêu rõ, bảo đảm chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản chính là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của nhân dân, là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân.
Đồng thời gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuẩn mực quốc tế, được thực hiện từ gốc, tại từng công đoạn và trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng nông lâm thủy sản. Nâng cao chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản cần huy động các nguồn lực xã hội nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số...
Giai đoạn 2023 - 2025, UBND tỉnh đặt chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận “Thực hành nông nghiệp tốt - GAP”, như VietGAP/VietGAHP hoặc tương đương tăng 10% (giai đoạn 2026 - 2030 tăng 15%).
Tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc đối tượng cấp giấy được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định. Có 90% số cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định ATTP (giai đoạn 2026 - 2030 đạt 100%).
Hằng năm có từ 7 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trở lên được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương (giai đoạn 2026 - 2030, mỗi năm tăng 15%).
Phấn đấu hằng năm, duy trì các chuỗi đã triển khai thực hiện và xây dựng mới ít nhất từ 2 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trở lên (giai đoạn 2026 - 2030, hằng năm duy trì các chuỗi đã triển khai thực hiện và xây dựng mới ít nhất 5 chuỗi).
Mọi sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản chủ lực được giám sát các chỉ tiêu ATTP; tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định an toàn thực phẩm giảm 10%/năm...
Thực hiện đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, ngành liên quan lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đủ điều kiện sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án giai đoạn 2021 - 2025.
Toàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số đảm bảo chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc; xây dựng, phát triển mạnh chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn; ưu tiên đẩy mạnh chứng nhận “Thực hành nông nghiệp tốt” - GAP, hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO 22000. Gắn liền với tất cả là phát triển thị trường nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn.