Sống chậm ở Lào

ALĂNG NGƯỚC 23/04/2023 08:33

Nam Lào, một buổi trưa nắng gắt. Giữa tiết trời hanh khô nhưng đường phố Păk Sế (tỉnh Chămpasak, Lào) vẫn đông đúc dòng người qua lại. Xe cộ nối đuôi nhau trong sự bình thản. Hình ảnh đó, một lần nữa tái hiện khi chúng tôi đặt chân đến thành phố Cay-xỏn Phôm-vi-hản (tỉnh Savannakhet) - dù ngay thời điểm người Lào chuẩn bị đón Tết cổ truyền Bunpimay.

Một góc chùa That Ing Hang tại tỉnh Savannakhet. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một góc chùa That Ing Hang tại tỉnh Savannakhet. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Trải nghiệm “phong cách Lào”

Xe dừng đèn đỏ. Chừng như, không một tiếng còi nào được bấm vang. Nếu du khách là người Việt Nam, chắc hẳn sẽ rất… ngạc nhiên vì điều này. Nhưng, ở Lào thì không, mọi thứ tiếp diễn như một sự sắp đặt ấn tượng về văn minh ứng xử trong giao thông công cộng. Điều đó, với người Lào là biểu thị của sự chuẩn mực trong cuộc sống đời thường.

Anh Lê Huynh Trưởng, một phiên dịch viên người Quảng Nam có duyên với đất nước Lào, nói đùa đó là phong cách của… người Lào. Văn hóa Phật giáo thấm sâu trong máu thịt giúp người Lào sống một đời an yên, giản đơn như cây cỏ, ít chịu tác động và cuốn theo nhịp sống xô bồ.

“Ở Lào, nhịp sống cứ chầm chậm như tính cách của chính họ. Mọi thứ diễn ra thuần tự nhiên, không thể khác. Điều này rất phù hợp với du khách đến để thư giãn, trải nghiệm nhịp sống tự do, phóng khoáng nơi miền đất được mệnh danh là thiên đường hạnh phúc” - anh Trưởng chia sẻ.

Thường xuyên có chuyến công tác tại Lào, anh Trưởng thành thạo phương ngữ Lào không khác gì người bản địa. Từng ngõ đường trên phố Păk Sế, Cay-xỏn Phôm-vi-hản; hay từng câu chuyện lịch sử vùng đất Nam Lào và cả địa danh lịch sử nổi tiếng như đền Wat Phou (Chămpasak), chùa That Ing Hang (Savannakhet)… được anh Trưởng vanh vách kể đầy lôi cuốn.

Ở Lào rất dễ tìm thấy chùa chiền và đền tháp. Anh Trưởng nói, chỉ riêng Chămpasak có khoảng 20 ngôi đền, chùa thờ các vị thần linh; trong đó nhiều ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất phải kể đến như Wat Phou, Wat Luang, Wat Tham Fai… với vẻ đẹp cổ kính và huyền bí. Những dịp lễ trọng, người Lào thường đến chùa để cầu phúc, mong sự bình an đến với người thân, gia đình.

Hôm ở Păk Sế, chúng tôi có chuyến khảo sát tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây và tham quan cặp cửa khẩu quốc tế Vang Tao - Chong Mek nằm ở phía tây của tỉnh Chămpasak tiếp giáp với tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan).

Cửa khẩu khá sầm uất, những người bạn Lào hiếu khách luôn miệng “Sa-bai-đi” (xin chào) mỗi khi gặp người nào đó trước mặt. Lần thứ tư đặt chân đến Lào, không hiểu sao tôi luôn có cảm giác thân thuộc, như thể đi là để trở về. Tôi dành thời gian ít ỏi để sải những bước chân thật chậm rãi trên phố, cảm nhận cuộc sống bình yên giữa vẻ đẹp cổ kính của chùa chiền và đền thờ. Một vùng đất văn hóa Phật giáo linh thiêng, mang đến cho du khách sự trải nghiệm thú vị, an toàn và đầy quyến rũ.

Bình yên ở đất Triệu Voi

Ngày cuối cùng ở Lào, chúng tôi đến thăm chùa That Ing Hang thuộc tỉnh Savannakhet, miền Trung nước Lào. Ngôi chùa cổ này được xây dựng vào giữa thế kỷ 16 và được người Pháp khôi phục vào năm 1930 nên nhiều chi tiết kiến trúc không còn giữ được nguyên gốc.

Những người Lào trở về nhà bằng xe công cộng ngày cận Tết cổ truyền Bunpimay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những người Lào trở về nhà bằng xe công cộng ngày cận Tết cổ truyền Bunpimay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Một người bạn Lào nói với tôi, “Ing Hang” trong tiếng Lào có nghĩa là tựa lưng vào cây Hang. Ngày xưa, tại vị trí tháp Stupa (tháp Xá Lợi) - ở giữa khuôn viên chùa ngày nay - có một cây Hang cổ thụ.

Ở đó, một vị sư già xuất hiện bí ẩn, hằng ngày tựa lưng vào cây Hang để thiền. Sau này, nơi nhà sư viên tịch, người ta dựng lên tháp để lưu giữ xá lợi của ông. Vì thế, trong tâm thức của người Lào, họ coi chùa That Ing Hang là vùng đất linh thiêng, như một điểm hành hương nổi tiếng thứ 2, sau chùa Wat Phou ở Chămpasak.

Giữa không gian rộng lớn, chùa That Ing Hang như một tuyệt tác vĩ đại của nhân loại. Sự cổ kính và huyền bí hiện rõ trong khoảnh khắc cuối chiều những ngày cận Tết cổ truyền Bunpimay. Những người phụ nữ Lào tay cầm lễ vật được làm từ tàu lá chuối xanh mướt, ở trên gắn mũ hoa màu trắng tiến trước tháp Xá Lợi để hành lễ cầu phúc, gột rửa bụi trần.

Trong văn hóa người Lào, những ngày Tết Bunpimay, người ta sử dụng nhánh “đọt khun” - loài hoa được biết đến như mai Lào, mang biểu tượng của sự tinh khiết và thường đặt trong chậu nhôm để “té nước”. Những vị khách được “té nước”, người ta tin sẽ gặp được sự may mắn và ngày càng có nhiều phúc khí.

Tuyến quốc lộ 9 từ Savannakhet về cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những người Lào đi ăn tết. Họ dùng xe lam, xe tải và cả xe ba gác để chở dòng người… “du xuân”.

Tiếng nhạc xập xình, họ nhún nhảy và “té nước” càng khiến ngày vui thêm sôi động. Đến huyện Sê Pôn, một hội “té nước đặc biệt” diễn ra ngay dưới lòng sông. Những chiếc ô đủ màu sắc “cắm trại”, anh Lê Huynh Trưởng nói, đó là cách mà người Lào làm mát khi thời tiết ở nơi này đang vào mùa khô.

Dọc tuyến đường về nước, những mái nhà sàn trang trí đầy hoa. Ngày tết, khung cảnh làng quê ở Lào thật bình yên…

ALĂNG NGƯỚC