Phòng cháy chữa cháy ở Hội An: Nhận diện những nguy cơ

TRUNG LỘ 21/04/2023 08:28

Những năm gần đây, hệ thống lưới điện ở phố cổ Hội An không ngừng được đầu tư theo lộ trình xây dựng thành phố lưới điện thông minh. Tuy nhiên, do đặc thù của một thành phố cổ, Hội An đang đối mặt với nhiều nguy cơ cháy nổ do nguồn điện.

Nhân viên Điện lực Hội An kiểm tra lưới điện. Ảnh: P.V
Nhân viên Điện lực Hội An kiểm tra lưới điện. Ảnh: P.V

Đầu tư hệ thống lưới điện

Xuất phát từ yêu cầu thực tế, ngay từ năm 2005, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC) đã ưu tiên đầu tư hơn 150 tỷ đồng từ nguồn vốn vay JIBIC để cải tạo, nâng cấp toàn bộ lưới điện TP.Hội An.

Theo đó, xây dựng mới 8km đường dây và trạm biến áp (TBA) 110kV; kéo mới và cải tạo 78km đường dây 22kV, trong đó có 7,6km cáp ngầm; 170km đường dây 0,4kV, trong đó kéo mới 78,5km cáp ngầm; lắp đặt mới 11 TBA (3.260kVA), cải tạo 112 TBA (28.610kVA).

So với các địa phương khác trong khu vực, lưới điện ở Hội An được đầu tư đồng bộ và tương đối hiện đại. Tỷ lệ tổn thất điện năng chiếm thấp nhất trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đặc biệt, kể từ khi Hội An được định hướng phát triển trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch bền vững, EVNCPC chọn giải pháp đầu tư với công nghệ tiên tiến, xây dựng cáp ngầm trung, hạ áp chôn trong lòng đất. Các tủ, bảng điện hạ thế bằng composit được gắn cao trên tường nhà dân, đấu nối cho dây dẫn vào công tơ các hộ sử dụng điện.

UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình phòng cháy chữa cháy (PCCC) khu phố cổ Hội An. Theo đó, giao UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2026. Dự án đầu tư xây dựng công trình PCCC khu phố cổ Hội An gồm các hạng mục như đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhà điều hành và bể chứa nước chữa cháy ngầm; hệ thống điện chiếu sáng thông minh, các thiết bị cảm biến, cảnh báo cháy…

Hội An cũng được chọn là địa phương điểm của khu vực miền Trung triển khai đề án “Xây dựng lưới điện thông minh cho Hôi An”.

Điện lực Hội An đã được đầu tư hơn 67 tỷ đồng để tiến hành cải tạo các TBA công cộng và thay mới các xuất tuyến trung thế. Cho nên, lưới điện phân phối trên địa bàn Hội An được đầu tư và cải tạo, nâng cấp một bước.

Khu vực ngoại ô, cải tạo đồng bộ bằng lưới 22kV; kết cấu lưới tăng cường từ 2 xuất tuyến lên 4 xuất tuyến, các xuất tuyến liên lạc với nhau tại nhiều vị trí bằng các dao cắt có tải. Đến nay, lưới điện Hội An đồng bộ và tiên tiến nhất tỉnh với tổn thất điện năng thấp nhất tổng công ty.

Nguy cơ cháy nổ

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa TP.Hội An, hiện nay khu phố cổ Hội An có hơn 1.000 nhà cổ, chủ yếu làm bằng gỗ nên dễ cháy. Thực tế có nhiều nhà trong phố cổ, chủ là người Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, không ở mà cho thuê lại.

Người thuê kinh doanh thường 22 giờ đêm là đóng cửa về nhà nên ban đêm có phát cháy thì việc phát hiện, xử lý rất chậm. Đường vào khu phố cổ rất hẹp nên xe cứu hỏa khó tiếp cận hiện trường, mất nhiều thời gian mới đến được điểm cháy để ứng cứu. Đặc biệt, nhà trong khu phố cổ nối liền nhau nên nguy cơ cháy lan rất cao.

Theo lãnh đạo TP.Hôi An, do đặc thù của một thành phố cổ, Hội An có nhiều ngõ nhỏ, hẻm sâu, dân cư đông đúc... không chỉ tiềm ẩn khả năng cháy nổ cao mà còn bộc lộ những khó khăn trong việc cứu nạn, cứu hộ. Đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn gây ra những vụ hỏa hoạn.

Đặc biệt, hệ thống điện sau công tơ có nguy cơ mất an toàn, nguy cơ cháy nổ do chạm, chập điện khá cao, nhất là ở khu vực phố cổ, chợ trung tâm... Mới đây, lúc 8h45, ngày 14/3/2023, một ngôi nhà ở số 7, đường Hoàng Văn Thụ bất ngờ bốc cháy lớn.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh nhanh chóng huy động 4 xe cứu hộ cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ phối hợp với người dân địa phương khẩn trương dập lửa.

Đến khoảng 9h cùng ngày đám cháy được dập tắt. Lực lượng cứu hộ đã có mặt khẩn trương dập lửa nhưng không thể tránh khỏi thiệt hại nặng. Ngôi nhà xảy ra vụ cháy đang bán hàng lưu niệm, nằm ở khu vực trung tâm phố cổ Hội An.

Điện lực Hội An cho biết, các vụ cháy nổ xảy ra hầu hết đầu do sự cố về điện, chiếm trên 50% nguyên nhân xảy ra sự cố. Thực tế các vụ cháy phát sinh từ chạm, chập điện đa phần do nguyên nhân chủ quan của người sử dụng điện, xây lắp điện trong nội bộ nhà ở và việc này nằm ngoài phạm vi quản lý, kiểm soát của ngành điện.

Ông Nguyễn Anh - Phó Giám đốc Điện lực Hội An nói: “Vấn đề cốt lõi là mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định, phòng ngừa cháy nổ vì quyền lợi của gia đình và cộng đồng. Cần chủ động trang bị cho mình những kiến thức về an toàn phòng cháy chữa cháy, thường xuyên kiểm tra và vệ sinh các thiết bị sử dụng điện.

Mọi người không nên để hàng hóa, chất dễ cháy gần nguồn nhiệt, thiết bị sử dụng điện. Các hộ dân cũng nên tự trang bị cho gia đình mình các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hóa để chủ động phòng chống do chập điện”.

TRUNG LỘ