Gỡ khó cho kinh tế hợp tác

MAI NHI 21/04/2023 08:17

Những năm gần đây, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng kinh tế hợp tác, HTX của tỉnh vẫn có bước chuyển biến tích cực, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ để tạo thêm những đột phá mới.

Những năm gần đây, HTX chổi đót Nhất Tuấn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và cải tiến mẫu mã sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: M.N
Những năm gần đây, HTX chổi đót Nhất Tuấn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) không ngừng mở rộng quy mô sản xuất và cải tiến mẫu mã sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: M.N

Chuyển biến

Ông Nguyễn Ta - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ vận tải - kinh doanh tổng hợp huyện Duy Xuyên cho hay, những năm qua ngành vận tải có nhiều biến động, thay đổi theo nhu cầu phát triển của xã hội. Đặc biệt, từ năm 2020 - 2022, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của đơn vị.

Trước tình hình đó, lãnh đạo HTX nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ. Nhờ vậy, nếu năm 2020 doanh thu của HTX đạt gần 6,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 326 triệu đồng thì năm 2022 doanh thu tăng lên hơn 9,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 508 triệu đồng.

Theo thống kê, năm 2022 doanh thu bình quân của một HTX trên địa bàn Quảng Nam đạt hơn 1,238 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân đạt 550 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của một thành viên, người lao động đạt 50 triệu đồng/năm.

Ông Lê Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thông tin, tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 578 HTX và 1 liên hiệp HTX hoạt động; trong đó có 373 HTX nông nghiệp, 33 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 124 HTX thương mại - dịch vụ, 3 quỹ tín dụng nhân dân và 45 HTX khác.

Trong khi đó, hiện nay Quảng Nam có 2.840 tổ hợp tác (năm 2022 cả tỉnh thành lập mới 115 đơn vị) hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch...

“Tùy theo điều kiện cụ thể, các HTX nông nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh - dịch vụ với nhiều quy mô, cấp độ khác nhau. Đáng ghi nhận, nhiều đơn vị triển khai khá mạnh mô hình liên kết sản xuất lúa giống và một số loại nông sản khác theo chuỗi giá trị sản phẩm; làm tốt dịch vụ đầu vào và đầu ra cho thành viên; tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung. Nổi bật là các HTX Nông nghiệp Đại Hiệp, Ái Nghĩa (Đại Lộc), Điện Phước 1 (Điện Bàn), Duy Sơn (Duy Xuyên), Bình Đào, Bình Nam (Thăng Bình)” - ông Trung nói.

Trong khi đó, các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tích cực khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh, khôi phục thị trường cũ và tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới. Tiêu biểu có HTX tiểu thủ công nghiệp Đại Hiệp (Đại Lộc), HTX Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Núi Thành), HTX Chổi đót Nhất Tuấn (Duy Xuyên).

Ông Trung cho biết, những năm qua hầu hết mô hình THT của tỉnh đã làm tốt nhu cầu hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất - kinh doanh; tương trợ nhau về vốn, tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa.

Gỡ khó để tạo đột phá

Theo đánh giá, hiện nay phần lớn tổ hợp tác (THT), HTX trên địa bàn Quảng Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng sản xuất hàng hóa kém; cơ sở vật chất phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, hầu hết THT, HTX thiếu nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh; năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý, những năm qua số HTX tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh còn khá ít so với nhu cầu thực tế. Vấn đề đáng quan tâm nữa là thời gian qua giá cả vật tư, phân bón, xăng dầu tăng cao nhưng giá bán các loại nông sản, thực phẩm trên thị trường không tăng, thậm chí có nhiều thời điểm tụt giảm mạnh làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu HTX, THT và thu nhập của hộ thành viên...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng nhìn nhận, qua thực tiễn và kinh nghiệm cho thấy, nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo sâu sát và tích cực hỗ trợ nhiều mặt thì lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX phát triển mạnh.

Ngược lại, nơi nào lãnh đạo tỏ ra lơ là, thiếu sự quan tâm giúp đỡ thì kinh tế tập thể không chuyển biến. Do vậy, muốn tạo bước đột phá mới, nhất thiết phải có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Theo đồng chí Lê Văn Dũng, thời gian tới các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các HTX, THT tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đất đai, cơ sở vật chất, nguồn vốn, nhân lực... để từng bước mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa, kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm tăng doanh thu, giải quyết việc làm ổn định cho thành viên và lao động nông thôn.

Về phần mình, các HTX và THT cần nỗ lực phát huy tối đa năng lực nội tại, nhất là hoạch định bài bản chiến lược sản xuất - kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường để từng bước vươn ra “biển lớn”...

MAI NHI