Đội bóng đá Quảng Nam hụt... ngân sách
Nếu không giải quyết được vướng mắc trong việc hỗ trợ mỗi năm khoảng 17 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, nhiều khả năng CLB Bóng đá Quảng Nam sẽ được nhà tài trợ trả lại cho tỉnh quản lý. Nếu vậy, nguy cơ giải tán đội bóng Quảng Nam đang thi đấu ở giải hạng nhất là rất cao.
Nặng nợ
Bóng đá được xác định là môn thể thao mũi nhọn của Quảng Nam. Việc xây dựng, phát triển bóng đá không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh mà còn là kỳ vọng chung của nhân dân và toàn xã hội. Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đều nhấn mạnh đội bóng Quảng Nam là của nhân dân Quảng Nam.
Thế nên trước đây tỉnh quản lý hay đến khi toàn bộ hệ thống bóng đá được chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý theo mô hình chuyên nghiệp (từ năm 2011), hàng năm tỉnh vẫn đều đặn dành một khoản ngân sách không nhỏ để cùng với doanh nghiệp chăm lo phát triển bóng đá.
Tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu với Sở VH-TT&DL và các sở, ban, ngành hôm 19/4, đại diện Công ty CP đầu tư QNK Quảng Nam cho biết toàn bộ chi phí cho CLB Bóng đá Quảng Nam, gồm đội 1 và hỗ trợ thêm cho công tác đào tạo trẻ từ năm 2012 đến nay khoảng 600 - 700 tỷ đồng, chưa kể tiền chuyển nhượng cầu thủ. Hiện nay doanh nghiệp rất mong tỉnh quan tâm tháo gỡ vướng mắc. Nếu không thể giải quyết được, công ty sẵn sàng chuyển trả hết toàn bộ hệ thống bóng đá cho tỉnh trước ngày 1/6.
Khi đội bóng Quảng Nam còn thi đấu ở giải hạng nhì rồi sau đó lên hạng nhất, mỗi năm tỉnh đầu tư khoảng 7 tỷ đồng, phần còn lại kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ.
Năm 2011, khi chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý, với chủ trương đồng hành cùng bóng đá, tỉnh không chỉ tiếp tục hỗ trợ mà còn tăng lên với mức 10 tỷ đồng/năm với mục tiêu giúp đội bóng có điều kiện đầu tư để có được thành tích tốt hơn.
Sau đó, sự hỗ trợ của tỉnh tăng lên 13,5 tỷ đồng/năm rồi đến năm 2017 nâng lên 16 tỷ đồng/năm và từ năm 2020 một lần nữa lên 17 tỷ đồng.
Theo thống kê, ngân sách tỉnh chi cho bóng đá kể từ năm 2012 đến nay là hơn 152 tỷ đồng, chưa kể đầu tư cơ sở vật chất như sân bãi, nhà ở vận động viên. Chính sự quan tâm đó đã mang lại những thành công, đặc biệt là chức vô địch V-League năm 2017.
Khó gỡ
Trước đây, để hỗ trợ cho CLB Bóng đá Quảng Nam, hàng năm UBND tỉnh có quyết định hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, lần đầu tiên, bóng đá đi vào nghị quyết khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 05 (13/1/2021) quy định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bóng đá trẻ tại CLB Bóng đá Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mức hỗ trợ 17 tỷ đồng/năm giai đoạn 2021 - 2022 và 18 tỷ đồng/năm giai đoạn 2023 - 2025.
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, nguồn ngân sách tỉnh chi hỗ trợ cho công tác đào tạo trẻ theo Nghị quyết 05 (13/1/2021) của HĐND tỉnh được giao nhiệm vụ cho sở ký kết hợp đồng với Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam - CLB Bóng đá Quảng Nam.
Trong 2 năm 2021 và 2022, ngân sách tỉnh đã chi hơn 33,4 tỷ đồng cho công tác đào tạo bóng đá trẻ của CLB Bóng đá Quảng Nam. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết 05 buộc phải dừng thực hiện. Do đó, từ đầu năm 2023 đến nay ngân sách tỉnh chưa được cấp cho CLB Bóng đá Quảng Nam.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thanh Thảo thông tin, ngành tài chính và VH-TT&DL đã có giải trình nhưng Kiểm toán Nhà nước không chấp nhận nên hiện nay tiền vẫn còn giữ trong ngân sách chưa phân bổ.
“Trước đây việc hỗ trợ được thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh. Sau đó Kiểm toán Nhà nước yêu cầu theo Luật Ngân sách phải thông qua HĐND tỉnh nên mới có Nghị quyết 05. Tuy nhiên, hiện nay họ lại dẫn chứng Luật TD-TT ra yêu cầu không được chi ngân sách cho doanh nghiệp” - bà Thảo giải thích.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, ít có tập đoàn nào gắn bó lâu đến như vậy và cũng không lấy thương hiệu gắn tên với đội bóng đá Quảng Nam, cho thấy thiện chí của nhà tài trợ.
Vì vậy, việc tỉnh cùng đồng hành, hỗ trợ ngân sách cùng với doanh nghiệp chăm lo phát triển bóng đá là rất cần thiết. Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho rằng ngân sách nhà nước không được hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Để tháo gỡ vướng mắc, phương án giao đơn vị sự nghiệp của tỉnh là Trung tâm Đào tạo - thi đấu TD-TT tỉnh hợp đồng với CLB Bóng đá Quảng Nam đặt hàng, liên kết đào tạo bóng đá trẻ; còn đội tuyển dự giải hạng nhất do doanh nghiệp tiếp tục quản lý điều hành theo cơ chế bóng đá chuyên nghiệp.
“Nhưng băn khoăn là, tỉnh nhận về đào tạo trẻ nhưng sau đó chuyển cho doanh nghiệp sử dụng có được không?; rồi đội hạng nhất không có hệ thống đào tạo trẻ có được chấp nhận?” - ông Hồng chia sẻ.