Sức mạnh đoàn kết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân

NGUYÊN ĐOAN - VINH ANH 17/04/2023 04:46

Tại hội nghị lần thứ 11 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng đề án và trình Tỉnh ủy (khóa XXII) ban hành nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ XHCN; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trên địa bàn tỉnh”.

Ông Võ Xuân Ca chủ trì cuộc giám sát kết quả triển khai thực hiện Quyết định 2107 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại Sở TN-MT. Ảnh: V.Đ
Ông Võ Xuân Ca chủ trì cuộc giám sát kết quả triển khai thực hiện Quyết định 2107 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại Sở TN-MT. Ảnh: V.Đ

Chia sẻ với PV Báo Quảng Nam xung quanh nội dung này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca nói, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, cần lắng nghe ý kiến Nhân dân, nghe sự phản hồi của Nhân dân để điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp.

Thành quả đáng tự hào

- Thưa ông, nhìn lại thành tựu phát triển của Quảng Nam sau 25 năm tái lập tỉnh, ông đánh giá như thế nào về vai trò của xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh?

- Ông Võ Xuân Ca: Qua 25 tái lập tỉnh, Quảng Nam đạt những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Từ tỉnh thuần nông, nghèo nhất nước, kinh tế Quảng Nam vươn lên nằm ở top phát triển nhanh của cả nước, có quy mô nền kinh tế tăng gấp nhiều lần, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thương mại, dịch vụ và chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Đời sống của đại đa số nhân dân trên địa bàn tỉnh được cải thiện rất rõ ràng.

Đạt được thành tựu phát triển đó là sự cố gắng, không ngừng sáng tạo, đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt có vai trò quan trọng của việc không ngừng chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo sự đồng thuận xã hội cao trong triển khai thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân ngày càng gắn bó, đại đa số nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động.

Tỉnh ủy luôn quan tâm đến việc tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Như ông đã chia sẻ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng đề án và trình Tỉnh ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về “Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ XHCN; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trên địa bàn tỉnh” (Nghị quyết 29) tại Hội nghị lần thứ 11 vừa qua là thời điểm đã chín muồi?

- Ông Võ Xuân Ca: Nội dung tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ XHCN và bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trên địa bàn tỉnh là một nội dung quan trọng được ghi trong văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) cũng nằm trong chương trình công tác toàn khóa của Tỉnh ủy.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng đề án trình Tỉnh ủy thảo luận, góp ý hoàn thiện và ban hành nghị quyết chuyên đề ở hội nghị đầu tiên của năm 2023 là một sự cân nhắc lựa chọn hợp lý.

Bởi ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã xem xét ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… Việc ban hành Nghị quyết 29 ở thời điểm này, tiếp tục thể hiện sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với cả hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.

Đây cũng là năm đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Đảng bộ các cấp. Vậy nên Nghị quyết 29 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần cổ vũ, tăng cường xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo sự đồng thuận xã hội, huy động sức dân cùng vượt qua các khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp.

Phát huy dân chủ phải thực chất, thực tiễn

- Chăm lo phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân là cơ sở để tiếp tục củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Nội dung này một lần nữa được khẳng định tại Nghị quyết 29 của Tỉnh ủy, cũng có nghĩa trong thực tiễn đâu đó vẫn còn hình thức?

- Ông Võ Xuân Ca: Nội hàm phát huy dân chủ rất rộng lớn. Nhưng tôi khẳng định rằng, việc chăm lo phát huy dân chủ luôn được coi trọng trên địa bàn tỉnh. Tất cả các chủ trương của tỉnh đều được thông tin đầy đủ đến Nhân dân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ và Nhân dân đã phát huy quyền làm chủ của mình trên nhiều lĩnh vực.

Lâu nay chúng ta đã làm tốt việc phát huy dân chủ cơ sở. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công vụ, còn có một vài nơi, vài chỗ có tình trạng mất dân chủ; ở chỗ có khi không làm đúng quy trình là phải lấy ý kiến Nhân dân, lắng nghe Nhân dân.

Vì thế, việc phát huy dân chủ XHCN phải được đề cao, quán triệt thường xuyên, từ người cán bộ lãnh đạo, quản lý cho đến cán bộ, công chức, viên chức và tự rèn luyện để trở thành công bộc của Nhân dân như lời Bác Hồ đã dạy.

Phát huy dân chủ cần xuất phát từ hai phía, trước hết, phải thực hành dân chủ thực chất, biết lắng nghe ý kiến của người dân thông qua các kênh, như tiếp xúc cử tri của HĐND, tiếp công dân, kênh của Mặt trận trong việc tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân.

Cùng với đó, trong thực thi công vụ của các cơ quan hành chính phải với tinh thần tôn trọng, lắng nghe và đáp ứng yêu cầu chính đáng, thiết thực của Nhân dân. Quan trọng hơn, người dân cần quan tâm thực hành quyền của mình, trong đó, có quyền đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Người dân phải thực sự tham gia, chứ không đứng ngoài cuộc.

- Chủ động tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định của Đảng được Tỉnh ủy (khóa XXII) tiếp tục được nhấn mạnh tại Nghị quyết 29. Đây cũng là chức năng quan trọng của MTTQ Việt Nam và sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

- Ông Võ Xuân Ca: Cơ sở để MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện chức năng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là dựa vào Nhân dân, dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân.

Đảng luôn xác định MTTQ Việt Nam giữ vai trò nòng cốt chính trị trong việc tập hợp Nhân dân để đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; đồng thời tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Những năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và đưa nội dung tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trở thành hoạt động trọng tâm, trên cơ sở dựa vào khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Có thể khẳng định, đến nay, khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng, củng cố thực chất, đại đa số Nhân dân đồng thuận rất cao đối với các chủ trương, chương trình lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi tiếp tục củng cố hệ thống Mặt trận các cấp trên địa bàn để thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; giám sát cán bộ, đảng viên theo tinh thần các nghị quyết của Đảng, các hướng dẫn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Mặt khác, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu sâu sắc hơn về luật pháp, các chủ trương phát triển của tỉnh, từ đó tạo sự đồng thuận xã hội.

Nếu làm tốt được những việc này, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận với Nhân dân sẽ ngày càng gắn bó sâu sắc hơn nữa. Đây là cơ sở đảm đảo cho việc hiện thực hóa khát vọng phát triển Quảng Nam như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN ĐOAN - VINH ANH