Ngày nao phố vắng...
Sẽ là khập khiễng khi so sánh Tam Kỳ với Hội An, bởi một bên vẫn chỉ đơn thuần là đô thị với chức năng hành chính nhiều hơn và một bên là đô thị di sản vốn đã quá chuyên nghiệp với câu chuyện làm du lịch. Nhưng hãy nhìn hai nơi này, trong một ngày phố vắng...
Vườn Cừa đón khách
Vườn Cừa, may mắn có một thảm cỏ mềm bên triền sông, nơi gió vẫn thổi dưới những tàng cây sưa cổ thụ. Tôi thi thoảng hay tạt ngang qua đó, những lần bất chợt, sông xanh, trời xanh, cả những hàng cây như một điểm “chữa lành” tâm hồn - theo trend của giới trẻ bây giờ.
Khi được chọn trở thành không gian của lễ hội, lập tức có nhiều đổi khác: người đông nghẹt từ sáng đến tối, chỗ nào cũng nhan nhản máy ảnh, điện thoại phục vụ du khách check-in, người và xe nối đuôi nhau đi qua dưới gốc những cây sưa già.
Dịch vụ nhanh chóng nở rộ theo “mùa lễ hội”. Những quán cà phê nhỏ mọc lên ngay bên con đường vốn đã chật. Người bán nước, bán quà ăn vặt, mở dịch vụ giữ xe... cũng kéo nhau về mưu sinh bên con đường hoa sưa. Mùa hoa, thành mùa của lễ hội.
Nhưng những ồn ào, thật may lại vừa đủ ngắn để mọi thứ quay về với quỹ đạo cũ, trả lại cho Vườn Cừa vẻ thanh tịnh của một vùng quê bên phố, bên sông. Hình như, đủ để ai cũng vừa lòng: Du khách có những bức hình lưu lại ngày hoa sưa nở và những người dân kịp có thêm chút “lộc lá” cho vài ngày căng mình đón khách.
Sự vừa đủ có cái hay riêng của nó, vừa không tạo áp lực lên không gian vốn nhỏ bé thơ mộng của Vườn Cừa, vừa ít nhiều tạo ra được dấu ấn riêng cho Tam Kỳ trong vài năm trở lại đây trên bản đồ du lịch, khi trước đó vẫn có ý kiến cho rằng khó có thể tìm thấy một sản phẩm gì đó mang tính đặc trưng phục vụ du khách.
Mọi thứ sẽ trở lại sau mùa hoa, nhiều người vẫn có riêng cho mình một chốn “chữa lành” yên vắng với thảm cỏ xanh, trời xanh, sông xanh, ngay dưới Vườn Cừa. Và hơn hết, cư dân lại được sống cuộc đời của họ, với không gian của họ, hít thở sự yên bình vốn có mà không phải băn khoăn với những ồn ào vốn chưa thật sự là điều quen thuộc. Vườn Cừa vẫn ở đó, cho tất cả...
Trong lặng thinh phố cổ
Những ồn ào mấy ngày qua về câu chuyện thu phí tham quan phố cổ, với hàng loạt dư luận trái chiều lại dấy lên trong tôi những hình ảnh về cư dân phố. Một ngày chưa xa, khi thành phố đóng cửa im lìm vì COVID-19, tôi đi ngang qua những căn nhà cổ, bao cửa hàng im ỉm đóng, phố không bóng du khách, những cánh cửa khép với tấm bảng lớn cho thuê nhà hoặc cần sang cửa hiệu. Người của phố, hẳn đã nếm trải những cay đắng mà họ chưa từng hình dung khi Hội An đóng cửa.
Ồn ào không phải lúc nào cũng vui. Đâu đó, thoáng thấy nỗi buồn của người trong lòng phố, khi dư luận quay cuồng với những tranh cãi, thậm chí có người sẵn sàng quay lưng với phố bằng thái độ rất cương quyết: thì không đến Hội An nữa, đầy nơi để đi, đầy chỗ để khám phá...
Khách bây giờ có nhiều lựa chọn, khi họ là người chi tiền, quyết định mình sẽ đi đâu, sẽ làm gì, sẽ thăm thú nơi nào. Nhưng ở phía ngược lại, là những người-của-phố hồn hậu chân tình, mà cuộc sống của họ, mưu sinh của họ không tách rời phố cổ.
Có thể là chị bán bánh bèo, là cô chủ gánh chè phía dưới giàn hoa giấy trên đường Hoàng Văn Thụ, có thể là bà cụ bán tò he ở trước cổng một di tích với nụ cười hiền hậu tuổi già. Họ đã phải chật vật lắm những ngày đóng cửa, đã mong lắm hình ảnh Hội An rộn hơi người trở lại.
Mưu sinh trong phố đâu phải là câu chuyện của ngày một ngày hai. Vì đó là hình ảnh, “là sắc thái, là sự quyến rũ riêng đối với Hội An”, khi “những người dân đang sống trong di sản tạo ra hồn cốt, giữ gìn di sản và là chủ nhân di sản”, như lời ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An chia sẻ.
Một người bạn tôi ở Sài Gòn nhắc về Hội An như một nơi mà chị không bao giờ muốn nặng một lời. Hội An trong chị, không phải là dãy nhà lừng lững ở phố cổ, mà đơn thuần chỉ là bà cụ từ làng quê Phú Chiêm với gánh mỳ nặng trĩu, là ông chú ngồi bán chùm cào cào lá dừa, hay một cụ bà khác bán đèn lồng trong những đêm trăng… Đó là một không gian cảm xúc.
Đôi khi nhớ vệt nắng xiên qua mái nhà, tương tư mảng rêu neo trên bờ tường phố cổ. Đôi khi thèm cảm giác uống một chai bia ướp lạnh và lặng nhìn sông Hoài. Hay đơn giản là nhớ cô gánh mỳ Quảng hoặc thèm một chén tàu phớ. Vậy là lội bộ vào phố cổ. Thế nên, đọc vài dòng về chuyện dựng rào thu phí, một bức tường rào khác vô hình dựng lên, hụt hẫng cho biết bao người...
Mới đó thôi, ngày nao phố vắng, Hội An còn thèm lắm hơi người...
*
* *
Hội An không phải Tam Kỳ, những con đường phố cổ cũng khác hẳn Vườn Cừa, nhưng giá như, mọi thứ cứ xoay tròn quanh nhu cầu tự thân của cả khách du lịch lẫn cư dân của phố, hài hòa lợi ích và gìn giữ được không gian riêng có của mỗi chốn, hẳn nơi đó sẽ vẫn hiện hữu như một chốn “chữa lành”.