"Nóng" quanh Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Thông tin trên mạng xã hội về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) khiến nhiều người lao động lo lắng. Tại Thăng Bình, trước làn sóng đòi nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần xuất hiện ở một số công ty, trưa hôm qua 13/4, Cơ quan BHXH tỉnh đã có buổi đối thoại với công nhân Công ty May mặc OneWoo.
Theo bà Trương Thị Kim Yến - phụ trách mảng BHXH của Công ty May mặc OneWoo, từ đầu năm đến nay, trong nội bộ người lao động (NLĐ) đang làm việc tại công ty đã dấy lên làn sóng xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần. Sở dĩ có vấn đề này là do Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có nêu nội dung "Đối với quy định về BHXH một lần, dự thảo xin ý kiến với 2 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành của luật và Nghị quyết 93/2015/QH13.
Cụ thể: "Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm". Phương án 2 là quy định thay đổi theo hướng vẫn cho phép NLĐ hưởng BHXH một lần để trước mắt đáp ứng nhu cầu của bản thân, gia đình song vẫn bảo lưu phần còn lại để có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH".
Theo bà Yến, vì thông tin này mà NLĐ lo lắng, đã có 5 người xin nghỉ việc tại công ty, đi rút BHXH một lần chứ không tiếp tục tham gia, dù họ đều có thời gian tham gia BHXH trên 10 năm. Bà Yến mong rằng những kiến nghị, nỗi lo của NLĐ sẽ được các cấp lắng nghe, đặc biệt là cơ quan soạn thảo chính sách BHXH, cơ quan có quyền quyết định việc ban hành Luật BHXH sửa đổi.
Tại buổi đối thoại, nhiều NLĐ bày tỏ băn khoăn với cơ quan chức năng về chính sách BHXH. Cụ thể, bà Đặng Thị Minh Ái nói: "Tôi muốn hỏi như bản thân tôi đóng BHXH được 7 năm, nếu vì lý do gì đó tôi không làm việc nữa; tôi rút BHXH một lần thì chỉ được có 50%, còn lại 50% để về hưu. Nhưng khi đó tôi nghỉ việc, tôi không đi làm ở đâu và không tham gia BHXH nữa thì tôi có thể nhận BHXH một lần được không?
Tôi cũng có đọc thông tin trên mạng về dự thảo, phương án 2 thì tất cả NLĐ đều không đồng tình với phương án đó. Nếu không rút được thì 50% còn lại sẽ xử lý như thế nào, hay khi tôi có việc gì không may thì người thân có được hưởng gì hay không?".
Công nhân Nguyễn Thị Viễn cũng bày tỏ băn khoăn: "Tôi đã tham gia BHXH được 17 năm, vậy bây giờ tôi nghỉ thì có rút BHXH một lần được không?".
Còn công nhân Đoàn Thị Kim Thương thắc mắc: "Nếu NLĐ đóng BHXH chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, mà nghỉ việc không có điều kiện đóng BHXH tiếp tục thì có được rút BHXH một lần, hay bắt buộc phải rút 50% còn lại 50% như dự thảo Luật BHXH quy định ở phương án 2 nếu được thông qua?".
Nhiều ý kiến khác của NLĐ cũng tập trung vào việc yêu cầu làm rõ các nội dung liên quan đến hưởng BHXH một lần theo quy định tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhưng vì đây mới là dự thảo, đang còn lấy ý kiến nhân dân, lắng nghe dư luận xã hội nên Cơ quan BHXH tỉnh chưa thể trả lời các nội dung mà NLĐ nêu ra.
Chia sẻ với NLĐ tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH thông tin: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) tạo sự quan tâm lớn của NLĐ, nhiều người muốn biết để nhận BHXH một lần. BHXH là chính sách an sinh dành cho NLĐ khi không còn khả năng lao động.
Đối với chính sách hưởng BHXH một lần thì NLĐ có thể giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng an sinh lâu dài lại không đảm bảo. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng sẽ sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm, thậm chí 10 năm để NLĐ có đủ kiện kiện đóng và hưởng phù hợp.
Nếu NLĐ nhận một lần, sau này cũng không được hưởng chế độ tử tuất, và người thân không được hưởng chế độ trợ cấp khi bản thân NLĐ không còn. Ông Hùng cũng khuyên NLĐ nên yên tâm làm việc, chính sách sửa đổi đều theo hướng có lợi hơn cho NLĐ, và lắng nghe ý kiến từ NLĐ, nhân dân.