Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân để xây dựng và phát triển quê hương Quảng Nam

HÀN GIANG 14/04/2023 07:56

Khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn Quảng Nam không ngừng mở rộng, củng cố vững chắc; từ đó huy động được sức dân chung tay xây dựng và phát triển quê hương.

Người dân tham gia buổi đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền TP.Tam Kỳ liên quan đến công tác bồi thường, cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai. Ảnh: N.Đ
Người dân tham gia buổi đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền TP.Tam Kỳ liên quan đến công tác bồi thường, cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai. Ảnh: N.Đ

Lắng nghe tiếng nói cơ sở

Thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đóng góp xây dựng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong các tầng lớp nhân dân; hay lắng nghe từ các cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở;... là những cách hệ thống chính trị TP.Tam Kỳ lựa chọn để huy động sự đồng thuận và nguồn lực đóng góp của nhân dân vì mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố.

Theo ông Nguyễn Duy Ân - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tam Kỳ, trong 20 năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam từ thành phố đến cơ sở đã tổ chức gần 300 diễn đàn góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; gần 200 hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy và chính quyền.

Qua đó, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Những vấn đề nhân dân quan tâm, có tính bức xúc từ thực tiễn cơ sở đều được lựa chọn tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền TP.Tam Kỳ với nhân dân để tìm hướng giải quyết thỏa đáng.

Đơn cử, cuối tháng 3 vừa qua, nhiều vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai 7 dự án đường giao thông ở các khu dân cư theo chủ trương xã hội hóa đã được tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố với các hộ dân bị ảnh hưởng...

Tiếp thu kiến nghị, đề xuất của nhân dân, người chủ trì cuộc đối thoại giao ngành chuyên môn UBND TP.Tam Kỳ tổng hợp, phân loại và tham mưu tổ chức đối thoại, làm việc riêng để xem xét giải quyết thấu đáo từng trường hợp.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo UBND thành phố lắng nghe, tiếp thu tiếng nói từ cơ sở để nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư trên địa bàn. Trong đó, quy định rõ cơ chế về nguồn vốn, quy mô dự án áp dụng và cơ chế thi đua khen thưởng, với quan điểm đảm bảo hài hòa, mang lại lợi ích cao nhất và công bằng đối với nhân dân.

“Thành phố đã triển khai, thực hiện đầu tư xã hội hóa 17 tuyến đường giao thông trên địa bàn với tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Qua đó, đã đầu tư, nâng cấp hơn 16km đường giao thông, góp phần làm cho không gian đô thị khang trang hơn. Có được thành quả bước đầu này đều nhờ sự đồng lòng, ủng hộ rất lớn của nhân dân các khu dân cư” - ông Trần Trung Hậu, Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ chia sẻ.

Vì quyền lợi nhân dân

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2021, Thường trực Tỉnh ủy tiếp xúc, đối thoại với nhân dân hơn 22 lượt; bí thư cấp ủy huyện, thị xã, thành phố đối thoại trực tiếp với nhân dân, đoàn viên, hội viên hơn 300 lượt; bí thư cấp ủy xã, phường, thị trấn tổ chức đối thoại với nhân dân hơn 2.000 lượt.

Qua các hội nghị đối thoại, nhân dân được gặp gỡ, trao đổi, phản ánh, đề xuất, kiến nghị với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; hiệu quả giải quyết vấn đề càng cao hơn khi người đứng đầu trực tiếp trao đổi, giải thích với nhân dân và chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giải trình, trả lời ý kiến công dân, hoặc rà soát giải quyết vướng mắc.

Nhìn nhận các hạn chế, khuyết điểm trong việc thực hiện Nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và nhận diện những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của tỉnh ở giai đoạn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án về “Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ XHCN; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trên địa bàn tỉnh” và Tỉnh ủy cũng ban hành nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.

Trong đó, Tỉnh ủy nhấn mạnh yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng bộ tỉnh và hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái. Tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, các cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị tiếp tục học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức sâu sắc, toàn diện quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; về “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm” của Nhân dân trong toàn bộ tiến trình xây dựng, phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương thực hành đoàn kết. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân; thực hiện tốt trách nhiệm giải trình.

Phát huy vai trò nòng cốt, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội động viên nhân dân tích cực tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp ở cơ sở. Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị; giải quyết kiến nghị của cử tri...

HÀN GIANG