Vận dụng, hiện thực hóa khát vọng phát triển Quảng Nam

N.ĐOAN - H.QUÂN 14/04/2023 04:36

Ngày 12/4, tại TP.Tam Kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp Học viện Chính trị khu vực III (Đà Nẵng) tổ chức hội thảo khoa học “Nghiên cứu và vận dụng các quan điểm trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam”.

Quang cảnh hội thảo khoa học ngày 12/4. Ảnh: Q.Đ
Quang cảnh hội thảo khoa học ngày 12/4. Ảnh: Q.Đ

Tham gia hội thảo, cùng với nhiều tham luận, thảo luận của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý của tỉnh cũng chia sẻ quá trình nghiên cứu và vận dụng lý luận từ cuốn sách vào những phần việc mà Quảng Nam đang quyết liệt triển khai nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.

Đổi mới, nâng cao chất lượng cán bộ

Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Chín nói, các bài viết trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết những thành tựu phát triển lý luận, những kết quả tổng kết thực tiễn mới nhất của Đảng ta về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Trong đó, nội dung về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chiếm dung lượng lớn, thể hiện quan điểm của Tổng Bí thư về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong quá trình đi lên CNXH của nước ta.

Theo đồng chí Nguyễn Chín, quán triệt chủ trương của Đảng, trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong các nhiệm kỳ gần đây, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh là chủ đề quan trọng trong các kỳ Đại hội, là động lực chính trị để phát triển tỉnh Quảng Nam.

Tỉnh ủy đã đẩy mạnh việc cụ thể hóa, ban hành bổ sung, hoàn thiện các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị một cách toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, dân vận, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả lĩnh vực từ tỉnh đến cơ sở.

Chia sẻ về những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Chín cũng nhìn nhận, công tác cán bộ và chất lượng cán bộ của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Vận dụng quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh ở giai đoạn mới, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín nói, Quảng Nam tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện hệ thống văn bản và tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, có hiệu quả vào công tác cán bộ, từ tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo phân cấp quản lý, luân chuyển, điều động, chính sách… đảm bảo đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và phù hợp với thực tế.

“Quảng Nam tập trung đổi mới, đột phá nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy với cách làm thận trọng, khoa học, chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả. Tạo động lực và môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy sở trường, đóng góp cho địa phương, cơ quan, đơn vị.

Phát huy vai trò và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định, quy chế về công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ” - đồng chí Nguyễn Chín nhấn mạnh.

Vận dụng lý luận để tạo đột phá phát triển

Thông tin đến hội thảo những thành tựu đạt được sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Quảng Nam, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, hướng đến xây dựng nông nghiệp, nông thôn hiện đại và phát triển bền vững đang là yêu cầu cấp thiết của Quảng Nam theo tư tưởng, quan điểm trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đó là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững ở khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tăng tỷ trọng lâm nghiệp và thủy sản.

Tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết, còn thiếu bền vững, đảm bảo cho người dân vùng miền núi có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, từ kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất nguyên liệu các cây con chủ lực của tỉnh…

Theo ông Tích, để tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò, thành quả đã đạt được, cũng như đáp ứng những vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh, cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp.

“Trước hết, toàn tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch thực hiện Kết luận số 91 của Tỉnh ủy về phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…” - ông Tích nói.

Triển khai quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược của Quảng Nam trong giai đoạn mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thông tin với hội thảo về những phần việc mà Quảng Nam đang quyết liệt triển khai thực hiện.

Cụ thể là đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng chú trọng hơn vào chất lượng và bền vững. Thứ hai, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế - xã hội. Tiếp đến là đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

“Quảng Nam chú trọng công tác quy hoạch, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao, tiết kiệm đất đai, bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến văn hóa địa phương và không gây tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. Tôi cho rằng đây là nội dung rất quan trọng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, đầu tư dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

“Các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo đã làm rõ những nội dung cốt lõi và khẳng định giá trị khoa học, tính thời sự sâu sắc của cuốn sách về những vấn đề lớn của đất nước như: quan điểm về quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; về phát triển văn hóa, con người Việt Nam; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc...

Để hiện thực hóa khát vọng, tầm nhìn phát triển toàn diện theo tinh thần “vững bước đi lên CNXH” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội thảo đã đề xuất các quan điểm định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đột phá nhằm phát triển tỉnh Quảng Nam trước những yêu cầu khách quan của bối cảnh mới”.

(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường)

“Mô hình kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN là lựa chọn tất yếu khách quan, khoa học và thực tiễn. Đó là sự lựa chọn kết hợp giá trị, tinh hoa nhân loại với đặc điểm và bản chất ưu việt riêng có của chế độ chính trị, là sự sáng tạo trong tư duy lý luận của Đảng ta.

Những quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về KTTT định hướng XHCN của Việt Nam không những có cơ sở khoa học, sáng suốt, bắt kịp nhu cầu thời đại, mà còn hợp lòng dân.

Vì thế cần nhận thức đúng và có niềm tin vào đường lối tiếp tục đổi mới của Đảng ta; kiên định con đường đã chọn: KTTT định hướng XHCN nhằm xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””.

(TS. Võ Văn Lợi - Trưởng khoa Kinh tế chính trị Học viện Chính trị khu vực III)

N.ĐOAN - H.QUÂN