Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế

N.ĐOAN 13/04/2023 15:29

(QNO) - Chiều nay 13/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Quang cảnh hội nghị chuyên đề chiều nay 13/4. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị chuyên đề chiều nay 13/4. Ảnh: N.Đ

Các đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Trí Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Thay mặt Ban cán sự đảng UBND tỉnh báo cáo đến hội nghị kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, xác định hội nhập kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình hội nhập quốc tế, thời gian qua, Quảng Nam đã tập trung các nhiệm vụ, giải pháp và huy động các nguồn lực tham gia vào nền kinh tế khu vực dựa trên lợi thế sẵn có.

Từ đó, tạo chuyển biến trong thực hiện công tác hội nhập quốc tế, nhằm đưa các mối quan hệ kinh tế vào chiều sâu, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Ảnh: N.Đ
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Ảnh: N.Đ

Cụ thể, giai đoạn 2013 - 2023, UBND tỉnh đã xét, cho phép hơn 200 doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp sử dụng thẻ đi lại của doanh nhân APEC (thẻ ABTC), giúp cho doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình đi lại, giao dịch, hợp tác kinh doanh với các đối tác nước ngoài thuộc khối APEC.

Quảng Nam là một trong những địa phương thu hút nguồn vốn ODA của các quốc gia, vùng lãnh thổ cho các dự án nhiều nhất cả nước. Trong giai đoạn 2013 - 2022, có 37 dự án sử dụng vốn nước ngoài (bao gồm các dự án vốn viện trợ không hoàn lại có sử dụng ngân sách tỉnh đối ứng) với tổng mức đầu tư 12.948 tỷ đồng.

Trong đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là các nhà tài trợ lớn nhất, chiếm khoảng 90% tổng số vốn nước ngoài hỗ trợ cho các chương trình, dự án ODA trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị đã thực hiện giải ngân đến hết ngày 31/12/2022 là 5.838 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Hội An - Trần Ánh phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: N.Đ
Bí thư Thành ủy Hội An - Trần Ánh phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: N.Đ

Tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh hiện nay là 194 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD. Các dự án đầu tư đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch - dịch vụ… Trong đó, một số ngành công nghiệp chủ lực tạo ra những sản phẩm đặc trưng và có lợi thế hơn so với các tỉnh khác như: sản phẩm ô tô, chip điện tử, giày da, may mặc, du lịch.

Về nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, từ năm 2013 đến nay, có hơn 100 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và 130 tổ chức, cá nhân nước ngoài khác hoạt động viện trợ tại Quảng Nam với tổng nguồn viện trợ giữ ổn định bình quân khoảng 180 tỷ đồng/năm.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: N.Đ
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung phát biểu thảo luận tại hội nghị. Ảnh: N.Đ

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đánh giá, trong 10 năm qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết số 22 đạt một số kết quả nhất định.

Trên cơ sở báo cáo của Ban cán sự đảng UBND tỉnh, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các ngành và 3 địa phương Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ tập trung thảo luận, đánh giá các kết quả đạt được xác đúng với tình hình thực tiễn; việc phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong quá trình hội nhập.

Cùng với đó, làm rõ mặt còn tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục để hội nhập sâu rộng hơn trong thời gian đến.

N.ĐOAN