Định lượng kinh tế địa phương qua phát triển doanh nghiệp
Chính quyền Quảng Nam lên kế hoạch năm 2023 thu hút 1.700 doanh nghiệp. Liệu có đạt kế hoạch khi nền kinh tế vẫn còn bất ổn?
Nhiều Doanh nghiệp gia nhập thị trường
Thống kê của Sở KH-ĐT, từ năm 2016 – 2020, Quảng Nam đã thu hút 6.450 doanh nghiệp (DN). Kế hoạch 8.000 DN được ấn định vào cuối năm 2020 đã vượt chỉ tiêu khi toàn nền kinh tế có đến 8.207 DN hoạt động. Con số này gấp 3,2 lần năm 2016.
Theo nhìn nhận, cho dù 95% DN nhỏ và vừa, khó huy động vốn, chậm đổi mới công nghệ, chi phí đầu tư cao, thiếu khả năng cạnh tranh, nhưng khối DN tư nhân đã chiếm đến 60 – 70% số thuế đóng vào ngân sách địa phương, góp đến 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Số lượng DN gia nhập thị trường không ngừng gia tăng. Nền kinh tế trên đà phục hồi, số lượng DN gia nhập thị trường và số DN tạm ngừng đã tái hoạt động năm 2022 lên đến 1.700 DN.
Số vốn đăng ký bình quân một DN mới thành lập đã đạt 8,7 tỷ đồng. Năm 2022, số DN thành lập mới cộng DN cũ (và nhiều sắc thuế khác) đã đưa con số thu ngân sách địa phương đạt kỷ lục 32.000 tỷ đồng (đạt 135,6% dự toán).
3 tháng đầu năm 2023, xu hướng kinh doanh có vẻ bất ổn, không có giấy phép FDI nào được cấp, nhưng nền kinh tế địa phương đã ghi nhận có thêm 4 dự án đầu tư nội địa được cấp (1,1 nghìn tỷ đồng), 437 DN (tính cả số DN quay trở lại hoạt động) tham gia thị trường, dù có giảm cả số lượng dự án lẫn số vốn đăng ký đầu tư... thì cũng là chỉ dấu của một nền kinh tế không quá suy sụp.
Theo ghi nhận của DN, các chương trình, kế hoạch hỗ trợ, phát triển DN của địa phương từng đưa ra, không phải là chiến dịch nhất thời. Đó là hành trình dài hơi, hướng đến chiều sâu bằng những sáng kiến theo hướng giảm thủ tục, giảm thời gian, chi phí... đã kích thích DN gia nhập thị trường.
Sẽ không khó để gia tăng số DN gia nhập thị trường, nhưng tìm cách gì để hỗ trợ, nuôi dưỡng DN đủ năng lực tồn tại, phát triển mới là chuyện quan trọng. Làn sóng khởi nghiệp (dù có khi đến rồi đi) cũng sẽ bổ sung những nhân tố mới, tạo ra sức công phá, kiến tạo, góp thêm sinh khí cho nền kinh tế. Có thể nhiều DN “biến mất”, nhưng số lượng DN gia nhập thị trường không ngừng gia tăng cũng là tín hiệu thành công của nền kinh tế địa phương.
Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT, điểm lạc quan nhất là hầu hết DN thành lập mới đều nhanh chóng triển khai đầu tư, kinh doanh. Chính điều này đã xác thực DN kỳ vọng vào cơ hội kinh doanh. Nếu không có niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh, sẽ không có số lượng DN gia nhập thị trường hay các giấy phép đầu tư xuất hiện ngay trong thời “khủng hoảng kinh tế” như công bố.
Dưỡng nghiệp
Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế tư nhân, phát triển DN là xương sống nền kinh tế nên tiếp tục có những chính sách cụ thể hỗ trợ DN. Từ cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ vốn đến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng hơn. Khởi nghiệp trở thành làn sóng và lập nghiệp là nhu cầu ngày càng rộng mở, không phải là một phong trào hay diễn ngôn.
Nhà nước thiết kế luật chơi, còn thành bại do DN quyết định. Ngoài sự sáng tạo, tìm ra lĩnh vực, xu hướng kinh doanh, năng lực, vị trí, tiềm lực kinh tế để đưa ra những lựa chọn thích hợp, thì sự hỗ trợ từ phía nhà nước cũng là điều hết sức cần thiết để có một đội ngũ DN ổn định cho nền kinh tế.
Sức khỏe DN là thước đo của nền kinh tế. Một giải pháp mang tính chiến lược để DN tư nhân đủ sức chống chịu với những tác động bất ngờ từ kinh tế, xã hội là điều đã được chính quyền địa phương tính đến.
Những giải pháp miễn thuế, giảm tiền thuê đất cần rất nhiều nguồn lực nằm ngoài tầm với của địa phương thì việc cắt giảm chi phí, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho DN cũng vẫn là giải pháp quan trọng.
Chỉ số gia nhập thị trường đảo chiều từng năm, nhưng lượng DN đã đánh giá tốt về việc niêm yết công khai các thủ tục đăng ký kinh doanh, các cán bộ hướng dẫn rõ ràng, nhiệt tình, thân thiện và am hiểu chuyên môn, trừ một số DN vẫn còn than khó khi thực hiện các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện.
Dấu ấn nổi bật trong việc “góp phần dưỡng nghiệp” cho doanh nghiệp gia nhập thị trường là chính quyền đã yêu cầu cắt giảm tối đa các thủ tục có tần suất giao dịch lớn (thành lập DN, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải, phòng cháy chữa cháy...).
Một trung tâm thông tin tư vấn, hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Sở KH-ĐT đã “nâng cấp” thành Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp. Cơ quan chuyên nghiệp này sẽ theo dõi cả chuỗi vòng đời dự án một cách thống nhất, quản lý hỗ trợ DN, theo dõi PCI, DDCI.
Trung tâm này đã phối hợp với các trường đào tạo để mở các lớp đào tạo kỹ năng quản trị cho DN. Tập huấn chính sách kế toán, thuế, mở lớp đào tạo kỹ năng quản lý, phân tích dự án, thị trường, thương thuyết, ký hợp đồng, hỗ trợ phần mềm kế toán, cấp miễn phí cẩm nang “Những điều DN cần biết và thực hiện sau khi thành lập”, “Những lợi ích cần biết khi chuyển đổi loại hình hoạt động từ hộ kinh doanh cá thể sang DN” và kết nối tìm vốn cho những DN mới gia nhập thị trường... Đặc biệt là thực hiện hoàn toàn miễn phí thành lập DN.
Theo bà Trương Thị Yến Ngọc – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp, dù đã có hướng dẫn, nhưng không phải DN nào cũng hiểu rõ. Trung tâm sẵn sàng tiếp đón DN đến để tư vấn, thực hiện hoàn tất hồ sơ, thủ tục. Doanh nghiệp chỉ cần ủy quyền cho chuyên viên của trung tâm, ở nhà... chờ nhận kết quả. Đây là việc hỗ trợ thiết thực cho DN gia nhập thị trường.