Khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân: Tiện cả đôi đường

DIỄM LỆ 13/04/2023 06:42

Đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân giúp cả người dân, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan quản lý thuận tiện trong việc sử dụng, quản lý hồ sơ.

Cơ sở khám chữa bệnh hướng dẫn người dân đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân. Ảnh: D.L
Cơ sở khám chữa bệnh hướng dẫn người dân đi khám chữa bệnh bằng căn cước công dân. Ảnh: D.L

Tiện lợi

Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Tam Kỳ, 90% người dân đến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) đã dùng căn cước công dân (CCCD) để thay thế thẻ BHYT. Theo lãnh đạo bệnh viện, đây là con số đáng mừng.

Đến KCB tại bệnh viện, ông Trần Quốc Bình (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) chỉ cần trình CCCD tại quầy làm thủ tục. Sau một vài thao tác nhanh gọn, ông Bình được nhân viên của bệnh viện trả lại CCCD và hướng dẫn thực hiện các công đoạn KCB.

Ông nói: “Tôi biết đến các thông tin được tích hợp trên CCCD nhờ vào sự tuyên truyền ở phường. Giờ tôi đi khám bệnh, chỉ cần CCCD chứ không cần thẻ BHYT nên rất tiện. Sự thay đổi như thế này rất tốt cho người dân. Nếu chẳng may đi KCB mà quên một loại giấy tờ nào đó như mọi khi thì phải chạy về lấy mới khám được, nay chỉ cần thẻ CCCD là đủ”.

 Chiều 10/4, ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện, phần lớn người dân đến KCB đều dùng CCCD. Tuy nhiên, có trường hợp dùng CCCD KCB được, nhưng có trường hợp thẻ chưa tích hợp thông tin về BHYT nên chưa thể KCB bằng CCCD.

Những trường hợp này được nhân viên bệnh viện hướng dẫn cần phải được cơ quan công an tích hợp CCCD lên mức định danh mức 2 thì mới KCB bằng CCCD được, nên người dân liên hệ cơ quan công an để được nâng mức định danh. Những trường hợp này nếu có mang theo thẻ BHYT thì vẫn KCB bình thường.

Từng bước hoàn thiện

Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Giám đốc vận hành Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Tam Kỳ cho biết: “Để triển khai KCB bằng CCCD cho nhân dân, bệnh viện đã trang bị hệ thống máy móc liên thông với cơ sở dữ liệu của các cơ quan chức năng. Đội ngũ nhân viên cũng được tập huấn để thực hiện các công đoạn KCB.

Đến thời điểm này, mọi việc diễn ra suôn sẻ, tuy nhiên có đôi lúc gặp trục trặc nhỏ như thông tin trong CCCD không khớp nối được với hệ thống cổng giám định điện tử.

Khi đó bệnh viện liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) và được hỗ trợ tháo gỡ để đẩy dữ liệu lên hệ thống kịp thời. Khi vướng mắc phát sinh thì chúng tôi luôn giữ liên hệ trực tiếp, hỗ trợ nhanh với các cơ quan chức năng để người bệnh không phải chờ đợi”.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 06 phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Theo đó, BHXH tỉnh đã thực hiện nhiều phần việc được BHXH Việt Nam và UBND tỉnh giao, khi có khó khăn vướng mắc thì kiến nghị lên cấp trên tháo gỡ. Những công việc đã được thực hiện gồm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT.

BHXH cũng có nhiều văn bản gửi các cơ quan, sở ngành, địa phương và cơ sở KCB BHYT về việc ứng dụng, thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ KCB BHYT.

Với những kiến nghị này, BHXH tỉnh đã kiến nghị đến BHXH Việt Nam, tham mưu UBND tỉnh có công văn gửi các bộ ngành liên quan một số nội dung.

Bao gồm: hướng dẫn xử lý đối với các trường hợp không xác thực được thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua dịch vụ “xác thực thông tin công dân”; chỉ đạo tổ công tác các địa phương triển khai thông báo số định danh cá nhân cho những người chưa được cấp CCCD; giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của công dân đối với các trường hợp không xác thực được thông tin công dân với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính nói chung, cũng như để thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH.

Đề nghị Bộ Công an, Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT-TT có văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật đầu đọc QRcode cho các cơ sở KCB để có thể đọc QRcode trên CCCD gắn chíp (khắc phục tình trạng lỗi phông chữ tiếng Việt có dấu).

Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu tổ công tác triển khai Đề án 06 thực hiện các phần việc liên quan, như đẩy mạnh tuyên truyền đến người tham gia BHYT và các cơ sở KCB về việc sử dụng CCCD gắn chip, ứng dụng VNeID để tham gia khám chữa bệnh BHYT thay cho thẻ BHYT giấy.

Sở Y tế chỉ đạo 100% các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh KCB BHYT bằng CCCD gắn chip. Thực hiện giao chỉ tiêu để các cơ sở KCB có 80% người bệnh đã được cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử quốc gia mức độ 2 tham gia KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, hoàn thành chỉ tiêu trước ngày 30/6/2023.

Các sở ngành và địa phương phối hợp với các cơ sở KCB thuộc phạm vi quản lý chuẩn bị các điều kiện hạ tầng kỹ thuật (nâng cấp phần mềm, trang bị thiết bị đầu đọc CCCD gắn chip có tích hợp module sinh trắc…) để sẵn sàng triển khai tích hợp, xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT.

DIỄM LỆ