Nghiên cứu, vận dụng cuốn sách của Tổng Bí thư vào thực tiễn xây dựng, phát triển Quảng Nam
(QNO) - Tại hội thảo khoa học về nghiên cứu, vận dụng những nội dung trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra sáng nay 12/4, nhiều tham luận, thảo luận của các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã khẳng định giá trị khoa học và tính thời sự sâu sắc của cuốn sách, đồng thời đề xuất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá nhằm phát triển toàn diện tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn mới.
Đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng
Phát biểu tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Dũng Anh - Học viện Chính trị khu vực III khẳng định, trong cuốn sách, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta được Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Phân tích sâu những nội dung trong cuốn sách của Tổng Bí thư, TS. Nguyễn Anh Dũng đưa ra nhiều gợi ý đối với Quảng Nam và cho rằng, những năm qua, với sự chỉ đạo của Trung ương, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, Quảng Nam đã đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ do Nghị quyết đại hội Đảng qua các kỳ đại hội đề ra. Thời gian tới, Quảng Nam cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển bền vững cả ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường.
Trong đó, công tác xây dựng Đảng cần được đặc biệt coi trọng và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ trên các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng; tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cần được triển khai thường xuyên, liên tục.
Chia sẻ nghiên cứu về bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam về thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 16/8/2021 (được in trong cuốn sách), PGS.TS Ngô Văn Minh - Giảng viên cao cấp Khoa Dân tộc và tôn giáo (Học viện Chính trị khu vực III) nói: “Với bài viết này, đồng chí Tổng Bí thư không chỉ khẳng định mà còn làm sáng tỏ thêm nhiều nội dung cơ bản về “Phát huy truyền thống đại đoàn kết, huy động sức mạnh của toàn dân tộc, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.
Theo PGT.TS. Ngô Văn Minh, tại Đại hội đại biểu lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu “phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”. Tầm nhìn này trên cơ sở những thành quả phát triển mà Quảng Nam đã phấn đấu đạt được hơn 25 năm chia tách đơn vị hành chính. Đây là khát vọng, ý chí vươn lên của của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Quảng Nam đối với sự phát triển của quê hương, đặt trong khát vọng, xu thế phát triển đi lên của cả nước.
[VIDEO] - PGS.TS. Ngô Văn Minh - Giảng viên cao cấp Khoa Dân tộc và tôn giáo Học viện Chính trị khu vực III trình bày quan điểm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuốn sách:
Để đạt được mục tiêu phát triển nêu trên, một trong những giải pháp cơ bản vẫn là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Đây được xem là một trong ba động lực cho sự phát triển của tỉnh - cùng với phát huy dân chủ, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng.
“Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cũng nằm trong mục tiêu tổng quát Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII hướng đến, và nằm trong những nhiệm vụ, giải pháp mang tính quyết định được ưu tiên chú trọng trong số 14 nhóm giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu đề ra” - ông Minh phát biểu.
[VIDEO] - TS. Võ Văn Lợi, Trưởng khoa Kinh tế chính trị - Học viện Chính trị khu vực III trình bày quan điểm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cuốn sách:
TS. Phạm Văn Giang - Giảng viên Khoa CNXH khoa học (Học viện Chính trị khu vực III):
CNXH của chúng ta xây dựng không phải là CNXH bị hiểu sai và làm sai, mà là chủ nghĩa xã hội khoa học, CNXH đổi mới đúng đắn trên tinh thần phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn đất nước.
Quan điểm quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên CNXH ở Việt Nam trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có giá trị khoa học và thực tiễn rất to lớn, là định hướng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp trong công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay.
[VIDEO] - TS. Phạm Văn Giang - Giảng viên Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học Học viện Chính trị khu vực III trình bày quan điểm về bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong cuốn sách:
Vận dụng lý luận để tạo sự đột phá
Triển khai quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược của Quảng Nam trong giai đoạn mới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thông tin với hội thảo về những phần việc mà Quảng Nam đang quyết liệt triển khai thực hiện.
Thứ nhất là đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng chú trọng hơn vào chất lượng và bền vững. Thứ hai, hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế - xã hội. Tiếp đến là đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Cụ thể hóa nội dung thứ nhất, Quảng Nam chú trọng công tác quy hoạch, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tạo ra giá trị gia tăng cao, tiết kiệm đất đai, bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến văn hóa địa phương và không gây tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân. “Tôi cho rằng đây là nội dung rất quan trọng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, đầu tư dự án ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Cùng với đó, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đồng thời với phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng chuỗi liên kết, hình thành các cụm liên kết ngành, chú trọng công nghiệp phụ trợ, giảm phụ thuộc vào FDI gắn với đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Lý giải cụ thể hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nêu rõ, Quảng Nam không có sự phân biệt doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ. Mà phải hình thành chuỗi liên kết để doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ cùng cộng sinh phát triển, tạo lực lượng phát triển về kinh tế - xã hội cho địa phương. Không phụ thuộc dự án FDI không có nghĩa là không ủng hộ thu hút lĩnh vực đầu tư FDI mà tỉnh thu hút dự án FDI có chọn lọc. Doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ mới và kỹ năng quản lý của nước ngoài.
Trong định hướng phát triển, đồng chí Lê Trí Thanh khẳng định, Quảng Nam chú trọng phát triển hài hòa, hợp lý giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng với miền núi. Lấy vùng phía Đông làm động lực phát triển, kết nối phát triển vùng phía Tây. Chú trọng liên kết vùng. Cân đối nguồn lực đầu tư công, tích cực thu hút nguồn lực đầu tư bên ngoài.
Nghiên cứu về cuốn sách của Tổng Bí thư, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, tuy không có bài viết dành riêng về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhưng nội dung phần lớn các bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư đã đề cập, phân tích, đánh giá nhiều vấn đề quan trọng liên quan mật thiết đến phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Quán triệt quan điểm trong các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư và xuất phát từ tình hình của ngành GD-ĐT và chất lượng nguồn nhân lực, ông Tường đề xuất 6 định hướng, giải pháp để tiếp tục phát triển GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong thời gian đến.
Trong đó, ông Tường cho rằng, phải không ngừng đổi mới công tác quản lý nhà nước của ngành GD-ĐT, tăng cường và xác định rõ vai trò của các cơ quan quản lý giáo dục trong việc tham gia quyết định về nhân sự, về tài chính để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn. Đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với phát huy dân chủ, công khai, minh bạch đối với các hoạt động của ngành.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường:
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã nhìn nhận, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học những vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và sự vận dụng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay.
Trong đó, hội thảo đã phân tích, đánh giá, cụ thể hóa và vận dụng các nội dung cốt lõi trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thực tiễn tỉnh Quảng Nam một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực: định hướng và khát vọng phát triển tỉnh; công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Quảng Nam, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển văn hóa, con người Quảng Nam; phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc tỉnh Quảng Nam; bảo đảm quốc phòng, an ninh…