Thúc đẩy hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông Tây

ALĂNG NGƯỚC (từ Chămpasak, Lào) 12/04/2023 08:07

Bằng các nhóm giải pháp đột phá trong cơ chế chính sách hợp tác đầu tư kinh tế, thương mại và du lịch, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và chính quyền các tỉnh nằm trên Hành lanh kinh tế Đông Tây thuộc các nước Việt Nam - Lào - Thái Lan đã gợi mở nhiều hướng đi mới trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam tại Lào. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam tại Lào. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Các nội dung trên được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn kết nối thúc đẩy đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam - Lào - Thái Lan, do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Păk Sế phối hợp Ủy ban Chính quyền tỉnh Chămpasak và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức tại tỉnh Chămpasak (Lào) vào ngày 10/4 vừa qua.

Tại đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy hợp tác giữa các khu vực trên Hành lang kinh tế Đông Tây.

Nhận diện tiềm năng

Nhấn mạnh tầm quan trọng của diễn đàn, nhất là trong bối cảnh các nước khu vực sông Mê Kông đang có chiến lược kết nối phát triển mạnh mẽ về kinh tế đầu tư, thương mại, dịch vụ du lịch…, trong bài phát biểu tại diễn đàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, đây là cơ hội để các địa phương của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại, du lịch, dịch vụ giữa với các địa phương của Lào và Thái Lan.

Các hoạt động này sẽ góp phần quan trọng trong việc sớm hình thành tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây kết nối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - tuyến đường ngắn nhất kết nối tỉnh Ubon Rathchathani (vùng Đông Bắc Thái Lan) và các tỉnh Nam Lào với Biển Đông.

Lãnh đạo tỉnh và du khách quốc tế chụp ảnh trước gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống Quảng Nam tại Chămpasak. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lãnh đạo tỉnh và du khách quốc tế chụp ảnh trước gian hàng trưng bày sản phẩm truyền thống Quảng Nam tại Chămpasak. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngoài ra, việc tăng cường kết nối, xúc tiến đầu tư, hợp tác về kinh tế, thương mại, du lịch giữa các bên cũng nhằm tìm ra hướng đi đột phá trong cơ chế, chính sách hợp tác trên các lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp, nhà đầu tư các bên sang đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện hiệu quả các vấn đề trên, ông Dũng đề nghị thời gian tới cần tăng cường kết nối, tổ chức hệ thống phân phối, tạo điều kiện thuận lợi trao đổi hàng hóa giữa các bên.

“Những năm gần đây, hàng hóa, thực phẩm, vật liệu xây dựng của Việt Nam được thị trường Lào ngày càng ưu chuộng và tin dùng. Chất lượng, mẫu mã hàng hóa Việt Nam được nâng cao và tiệm cận với hàng hóa các nước trong khu vực, giá cả được bán ở mức phù hợp với thu nhập của người dân Lào.

Bên cạnh đó, các sản phẩm nông lâm nghiệp Lào vào Việt Nam ngày càng tăng và đang trở thành thị trường cung cấp nguyên vật liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam.

Du khách Lào, Thái Lan thích thú trải nghiệm không gian văn hóa và thưởng thức các món ẩm thực Quảng Nam tại diễn đàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Du khách Lào, Thái Lan thích thú trải nghiệm không gian văn hóa và thưởng thức các món ẩm thực Quảng Nam tại diễn đàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Đối với khu vực Nam Lào, chúng tôi nhận thấy tiềm năng, lợi thế rất lớn để đầu tư phát triển nông nghiệp và hình thành vùng nguyên liệu cây ăn trái, chăn nuôi, trồng rừng gỗ lớn cung cấp cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” - ông Dũng nói.

Từ những tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng, khu vực Nam Lào có vai trò kết nối vùng trọng điểm du lịch các tỉnh Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với vùng Đông Bắc Thái Lan qua tỉnh Ubon Ratchathani.

Trong khi đó, khu vực miền Trung Việt Nam có nhiều di sản văn hóa thế giới, phát triển sôi động về du lịch; khu vực Nam Lào với lợi thế khí hậu mát mẻ của vùng cao nguyên Bôlaven rất phù hợp để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mang nét riêng nhằm kết nối, hợp tác phát triển du lịch qua tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây theo chiến lược liên vùng và xuyên quốc gia.

Theo ông Dũng, hai tỉnh Quảng Nam và Chămpasak mang đặc điểm tương đồng là có nhiều di sản văn hóa thế giới nổi tiếng như đền Watphu, tháp Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An.

Tháng 11/2022, hai bên phối hợp mở tuyến vận tải hành khách giữa Tam Kỳ (Quảng Nam) và Păk Sế (Chămpasak). Hiện nay, khách quốc tế đến Quảng Nam ngày càng đông; riêng 3 tháng đầu năm 2023, Quảng Nam đón hơn 1,6 triệu lượt khách. Vì thế, ông Dũng đề nghị việc kết nối các di sản văn hóa thế giới là vấn đề cần nghiên cứu để tập trung phối hợp triển khai thực hiện trong thời gian đến.

Đầu tư nông nghiệp, nâng cấp giao thông

Quảng Nam và các tỉnh khu vực miền Trung đều có hệ thống cảng biển tương đối tốt, đang được tiếp tục đầu tư mở rộng. Việc sử dụng hiệu quả các cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối có thể giúp các tỉnh Nam Lào xuất nhập khẩu hàng hóa một cách thuật lợi.

Để cụ thể hóa các cam kết hợp tác, các ý tưởng về lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, logistics thành hiện thực, vấn đề giao thông kết nối liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia mang tính quyết định.

Lãnh đạo địa phương các tỉnh thuộc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây tham dự diễn đàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Lãnh đạo địa phương các tỉnh thuộc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây tham dự diễn đàn. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống giao thông kết nối giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung và Quảng Nam với khu vực Nam Lào nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, giao lưu thương mại, kết nối du lịch.

“Để khắc phục hạn chế đó, Quảng Nam đã đề xuất trung ương đầu tư mở rộng nâng cấp quốc lộ 14D nối từ Cửa khẩu quốc tế Nam Giang về đường Hồ Chí Minh, hiện nay đang tập trung triển khai.

Đây là sự mong mỏi không chỉ riêng của Quảng Nam mà của cả khu vực Nam Lào, nhất là các tỉnh Sê Kông, Chămpasak và Đà Nẵng nhằm tăng cường kết nối hợp tác, phát triển giữa khu vực Nam Lào với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” - ông Dũng nhấn mạnh.

Trong chiến lược mở rộng đầu tư, Quảng Nam quan tâm đẩy mạnh hợp tác về nông nghiệp, trong đó tập trung đầu tư vào khu vực Nam Lào. Thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Thaco đã kết nối hợp tác và dẫn dắt các doanh nghiệp, nhà đầu tư Quảng Nam triển khai đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Nam Lào. Việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai nước.

Để làm tốt chiến lược đầu tư, ông Dũng đề nghị các địa phương Nam Lào cần trao đổi thông tin cụ thể với các dự án Việt Nam đã, đang đầu tư và khả năng thu hút, nhu cầu đầu tư tại khu vực Nam Lào về lĩnh vực nông nghiệp.

Hai bên tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa của mỗi bên lưu thông, tiêu thụ, đặc biệt là hàng nông - lâm sản; đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các trang trại, khu vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung, hiện đại, cung cấp đầu vào ổn định cho các doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản...

Tôi mong lãnh đạo các tỉnh Nam Lào quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Quảng Nam, Việt Nam có cơ hội đầu tư nhiều dự án mới vào khu vực thời gian đến. Việc đầu tư của các doanh nghiệp vừa là hoạt động kinh doanh sản xuất, vừa là nghĩa tình, trách nhiệm chung với cộng đồng, với nhân dân, vì sự phát triển, ấm no, hạnh phúc và thịnh vượng chung của hai bên”. 

(Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng)

 “Kết quả của diễn đàn lần này một lần nữa minh chứng cho sự cố gắng và chung sức chung lòng của 3 nước Lào - Việt Nam - Thái Lan trong phối hợp, tạo thế mạnh và cơ hội đầu tư, kết nối hội nhập trong lĩnh vực đầu tư thương mại và du lịch để xác định phương hướng hợp tác trong thời gian tới, bền vững hơn. Đồng thời, đây là dấu mốc quan trọng để cùng nhau xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội văn minh, giàu đẹp theo ý nguyện và mong muốn của nhân dân 3 nước Lào - Việt Nam - Thái Lan”.

(Bí thư, Tỉnh trưởng Chămpasak Vi-lay-vông Bút-đa-khăm)

Những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng vai trò của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây qua việc đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản, đưa vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo nhiều điều kiện về cơ chế, chính sách để thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực hợp lý, hài hòa, bền vững. Các địa phương của Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây đã tích cực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm khai tác tốt tiềm năng, lợi thế của tuyến, thúc đẩy giao lưu văn hóa, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch giữa các địa phương trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây”. 

(Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Păk Sế Nguyễn Văn Trung)

ALĂNG NGƯỚC (từ Chămpasak, Lào)