Đẩy mạnh trùng tu các đền tháp Mỹ Sơn
(QNO) – Sau thành công của các dự án bảo tồn Mỹ Sơn (xã Duy Phú, Duy Xuyên), một số dự án mới đang được tiếp tục nghiên cứu đề xuất triển khai trong năm 2023, mang đến nhiều kỳ vọng hồi sinh cho khu di sản độc đáo này.
Cơ hội cho tháp F1
Dự kiến cuối tháng 4 này, đoàn công tác độc lập của Chính phủ Ấn Độ sẽ sang Mỹ Sơn khảo sát, tìm hiểu thực trạng nhóm tháp F, đặc biệt là tháp F1 nhằm đánh giá mức độ cấp thiết cũng như tình trạng kỹ thuật, báo cáo Chính phủ phê duyệt kinh phí hỗ trợ trước khi các cơ quan chuyên môn Ấn Độ lập dự án trùng tu.
Nhóm tháp F gồm 2 công trình kiến trúc là F1 và F2, trong đó tháp F1 bị hư hại nặng nề nhất. Đến nay, hầu hết gạch trên các tường tháp đã bị bạc màu và đứt mạch liên kết, nguyên nhân do việc tách rời giữa khai quật khảo cổ và trùng tu diễn ra trước đây.
Để giữ tháp không sụp đổ, từ nhiều năm trước, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã phối hợp với các đơn vị liên quan hàn khung sắt bao quanh để níu giữ tường tháp chống ngã đổ, đồng thời dựng mái tôn che chắn bên trên hạn chế mưa nắng tác động.
Cuối tháng 12/2022, tại lễ bàn giao dự án Bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp A,H,K khu đền tháp Mỹ Sơn, ông Subhash Prasad Gupta - Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam cam kết, Chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo khu đền tháp F và khu Phật viện Đồng Dương cũng như tháp Nhạn (Phú Yên). Đây được xem là thông tin tích cực giúp các công trình kiến trúc Chăm miền Trung, nhất là nhóm tháp F Mỹ Sơn nhanh chóng được bảo vệ.
[VIDEO] - Hiện trạng tháp F1 Mỹ Sơn:
KTS. Đặng Khánh Ngọc - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) nhìn nhận, trong số những công trình kiến trúc xuống cấp hiện nay ở Mỹ Sơn, tháp F1 cần được trùng tu khẩn cấp. Hơn 10 năm trước, Viện Bảo tồn di tích cũng đã đề xuất bảo tồn khẩn cấp công trình này nhưng do một số nguyên nhân vẫn chưa triển khai được.
“Tôi nghĩ vấn đề ở đây không phải là kỹ thuật. Chúng ta đã có kinh nghiệm trùng tu các nhóm tháp tại Mỹ Sơn, gần đây là nhóm tháp A. Tuy nhiên, với F1 là một dự án lớn, khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi nguồn lực lớn. Do đó, việc Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ kinh phí trùng tu sẽ là cơ hội tốt để bảo tồn F1 cũng như nhóm tháp này hiệu quả” - KTS. Đặng Khánh Ngọc chia sẻ.
Mỹ Sơn đang hồi sinh
Tròn 20 năm kể từ khi dự án Bảo tồn nhóm tháp G triển khai (năm 2003), rất nhiều công trình kiến trúc Mỹ Sơn đã được bảo vệ thành công như tháp E7, các nhóm tháp K,H,A… mang lại diện mạo mới cho các đền tháp Champa ở Mỹ Sơn.
Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, hiệu quả rõ nét các dự án mang lại chính là sự vững chắc của các công trình đền tháp nơi đây. Cùng đó, không gian du lịch được mở rộng, mang đến nhiều trải nghiệm hơn cho du khách trong hành trình khám phá Mỹ Sơn.
“Bây giờ khách đến Mỹ Sơn bên cạnh chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tâm linh của người Chăm, còn có thể tìm hiểu về các phương pháp trùng tu đền tháp Champa, nhất là cách thức người Chăm xưa tiến hành xây dựng tháp - điều vốn bí mật lâu nay” - ông Nguyễn Công Khiết cho biết.
[VIDEO] - Du khách tham quan nhóm tháp A mới được trùng tu:
Theo thống kê, đến nay Mỹ Sơn còn khoảng 8 đền tháp lớn nhỏ bị hư hại, xuống cấp cần được trùng tu. Mỗi năm, Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để gia cố, tu bổ, bảo vệ, phát quang chống xâm thực, vệ sinh thân tháp…
Thực tế cho thấy, tại các nhóm tháp đã được trùng tu như G, A, kể từ khi mở cửa tham quan lượng khách vào rất đông. Cho nên, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn và các cấp, ngành liên quan của tỉnh đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm nguồn lực để bảo tồn di sản.
Ông Nguyễn Công Khiết thông tin, ngoài dự án bảo tồn nhóm tháp F, các cơ quan chuyên môn của Chính phủ Ấn Độ cũng đang xây dựng kế hoạch trùng tu nhóm tháp E và A’ trong giai đoạn 2025 - 2030. Sau khi hoàn thành việc bảo tồn các công trình này, hệ thống đền tháp Chăm Mỹ Sơn cơ bản đi vào giai đoạn ổn định.
Trong 2 năm 2023 - 2024, Viện Bảo tồn di tích sẽ triển khai dự án tu bổ tháp D1, D2, đây là 2 công trình được các chuyên gia Ba Lan sửa chữa, gia cố từ những năm 90 của thế kỷ 20 nay đã xuống cấp. Dự kiến, tổng kinh phí tu bổ khoảng 6 tỷ đồng, được trích từ nguồn hỗ trợ 15 tỷ đồng của Trung ương cấp cho công tác bảo tồn di sản hàng năm.
Cụ thể, các chuyên gia Viện Bảo tồn di tích sẽ tổ chức sắp xếp, nâng cấp, bố trí lại các hiện vật đang trưng bày bên trong hai tháp. Đồng thời, tiến hành gia cố, tu bổ, thay mái, chống thấm dột hai công trình này. Phấn đấu tháng 6/2023 sẽ khởi công tháp D1, sau đó tiếp tục triển khai D2 trong năm 2024.