Chọn lối đi cho du lịch nông thôn ở Quảng Nam
(VHQN) - Khái niệm du lịch nông thôn có vẻ mới mẻ và thời thượng ở nước ta, nhưng trên thế giới, loại hình du lịch này đã phát triển từ những năm 80 của thế kỷ 20. Đó là những chuyến du lịch mang tính trải nghiệm đến những nơi thôn dã, những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh để khám phá vẻ đẹp của các làng quê, hòa mình vào đời sống người bản địa. Trào lưu này đã thịnh hành ở Tây Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Cách làm du lịch nông thôn của Hàn Quốc
Tôi từng trải nghiệm du lịch nông thôn ở làng Hahoe, viếng thăm Minsokchon để khám phá lịch sử, đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa nông thôn của người dân Triều Tiên thời xưa.
Làng Hahoe ở Andong (tỉnh Gyeongsangbuk-do), được bài trí theo thuật phong thủy của Triều Tiên, có hình dạng như một đóa hoa sen. Ngôi làng đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 2010.
Trong làng còn lưu giữ hàng chục kiến trúc truyền thống, trong đó, có hai công trình là chùa Wonjijeong-sa và trường Nho học Byeongsan đã được Chính phủ Hàn Quốc xếp hạng là bảo vật quốc gia; hai kiến trúc khác là gác Yongmogak, thư viện của tộc trưởng Ryu Seong-ryong và đồn binh Kunmundungok được công nhận là tài sản văn hóa quan trọng.
Đặc biệt, nghệ thuật múa mặt nạ Hahae, trò chơi dân gian Sunyu, hay đồ gốm Onggi… của làng, vẫn được duy trì và thực hành hàng trăm năm qua, được công nhận là những di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của Hàn Quốc.
Đến thăm ngôi làng này, tôi và những du khách khác được tự do khám phá tất cả ngóc ngách của làng, tiếp xúc với người dân, tìm hiểu về đời sống và sinh kế của họ; được xem trình diễn Kịch múa mặt nạ Hahae (Byeonlsin-gut), một nghi thức của Shaman giáo nhằm tôn vinh cộng đồng tinh thần của làng; được tự tay thực hiện những chiếc mặt nạ Hahae dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân của làng. Sau cùng là ra chợ làng mua thịt, cá tôm, các loại rau củ, gia vị… mang về homestay, rồi cùng gia chủ chế biến những món ăn truyền thống của làng.
Trong khi đó, Minsokchon (dân tộc thôn), một ngôi làng phục dựng để phục vụ du lịch, tọa lạc ở Yongin (tỉnh Gyeonggi-do) lại là một mẫu hình khác. Ngôi làng được Chính phủ Hàn Quốc bỏ tiền đầu tư xây dựng và khánh thành vào tháng 10/1974.
Ngôi làng rộng khoảng 100ha, tập hợp 260 ngôi nhà truyền thống từ thời Joseon, được tuyển chọn từ nhiều nơi ở Hàn Quốc, đại diện cho kiến trúc nhà ở của nhiều tầng lớp xã hội, nhiều vùng miền khác nhau, mang về đây để phục nguyên hoặc phục chế, nhằm giới thiệu những thành tố của đời sống và văn hóa truyền thống từ kiến trúc, nông cụ, thực phẩm, trang phục... cho đến ruộng đồng, vườn tược, gia súc…
Chính phủ Hàn Quốc đầu tư xây dựng Minsokchon nhằm để trưng bày và bảo tồn không gian sinh tồn, đời sống xã hội và văn hóa truyền thống của người Triều Tiên thời Joseon. Đó vừa là một khu du lịch, một công viên văn hóa và là nơi tái hiện lịch sử nông thôn của Hàn Quốc.
Vào thăm Minsokchon, du khách bắt gặp các nhân viên trong trang phục của tất cả giai tầng xã hội Triều Tiên vào các thế kỷ trước: từ tầng lớp quý tộc, quan lại cho đến trưởng thôn, lính tuần, thương nhân, thầy giáo, nông dân… Ngoài ra, du khách còn được thưởng ngoạn các loại hình diễn xướng dân gian, tham gia các lễ hội, thưởng thức ẩm thực truyền thống.
Hai ngôi làng Hahoe và Minsokchon là hai điển hình được đưa vào khai thác để phục vụ du lịch nông thôn. Trong đó, làng Hahoe là ngôi làng cổ nguyên bản, được nhiều thế hệ người dân của làng gìn giữ, từ cảnh quan, kiến trúc, đến lối sống, phong tục tập quán, nghề truyền thống…
Yếu tố quan trọng thu hút du khách đến với nơi này chính là tính chân thật và sự sống động của một làng quê xưa hiện hữu trong bối cảnh đương đại. Còn Minsokchon là sự phục dựng, nhưng không phải là phục chế từ các chất liệu mới, mà là tập hợp những kiến trúc cổ, những hiện vật thật có tuổi đời hàng trăm năm, đưa về một địa điểm thích hợp, rồi sắp xếp bày biện theo trình tự, lớp lang, để tái hiện không gian làng quê xưa của Triều Tiên, trở thành điểm du lịch làng quê yêu thích, nhất là giới trẻ và những ai quan tâm đến lịch sử và văn hóa thời trung - cận đại của Hàn Quốc.
Vài gợi ý cho Quảng Nam
Quảng Nam đang có định hướng phát triển du lịch nông thôn, như là một sản phẩm du lịch đặc sắc, song hành các loại hình du lịch truyền thống như du lịch văn hóa, du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng…, để thúc đẩy phát triển du lịch trong bối cảnh du lịch đang hồi sinh sau đại dịch COVID-19.
Từ nhiều năm qua, Quảng Nam đã có những sản phẩm du lịch nông thôn khá thành công, gắn liền với các làng nghề tên tuổi ở Hội An như: làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng…
Thời gian gần đây, một số làng quê ở Quảng Nam như: Đại Bình (Nông Sơn), Lộc Yên (Tiên Phước), Tam Thanh (Tam Kỳ), Pơ’ning (Tây Giang), Bhờ Hôồng (Đông Giang)… cũng trở thành điểm đến của những tour du lịch làng quê, du lịch cộng đồng… Tuy nhiên, số du khách tham gia loại hình du lịch này ở Quảng Nam chưa nhiều, tỷ trọng đóng góp của du lịch nông thôn trong cơ cấu du lịch của tỉnh Quảng Nam không đáng kể.
Tôi đã đi đến hầu hết địa chỉ du lịch làng quê, du lịch cộng đồng ở Quảng Nam để trải nghiệm, có những chỗ tôi đến nhiều lần như Trà Quế, Lộc Yên, vừa là người du lịch, vừa là tour guide hướng dẫn cho bạn bè trong và ngoài nước thăm thú những nơi này.
Nhờ vậy tôi có thể thấy rằng các địa điểm du lịch nông thôn ở Quảng Nam hiện chủ yếu hoạt động theo kiểu tự phát, chưa có sự hỗ trợ nhiều từ chính quyền và các cơ quan hữu quan trong các vấn đề: xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch cảnh quan, kiến trúc để bảo tồn và khai thác, phục vụ du khách, hướng dẫn kỹ năng cho cư dân trong cộng đồng về cách thức làm du lịch.
Các làng quê là điểm đến của các tour du lịch nông thôn ở Quảng Nam chưa giới thiệu được những sản phẩm đặc trưng, truyền thống của quê hương để thu hút du khách mua sắm, thưởng thức, sử dụng… Đây là những điểm yếu so với cách thức tổ chức và khai thác du lịch nông thôn ở Hàn Quốc mà tôi từng trải nghiệm và giới thiệu trên đây.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, tôi cho rằng: để phát triển du lịch nông thôn ở Quảng Nam thành công, thì những điểm đến của loại hình du lịch này cần có các “điểm nhấn” sau:
- Phải là một làng quê điển hình của xứ Quảng, có không gian, cảnh quan chưa bị phá vỡ bởi “đô thị hóa” hay những “lệch lạc” trong quá trình xây dựng nông thôn mới;
- Phải có sản phẩm chủ đạo: nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, đặc trưng; đặc sản ẩm thực; sự độc đáo của văn hóa phi vật thể có thể khai thác để phục vụ du lịch;
- Mỗi cộng đồng, mỗi làng quê, phải có một tầng lớp tinh hoa: là nghệ nhân thành thạo về thực hành và trao truyền nghề truyền thống của địa phương; là bậc thầy trong nghệ thuật diễn xướng, hướng dẫn thực hành lễ nghi, am tường phong tục tập quán… để “làm mẫu” cho cộng đồng và tạo sự thu hút đối với du khách;
- Cả cộng đồng cùng chung tay góp sức và xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn trên quê hương mình; cùng nhau khai thác, cùng nhau hưởng lợi;
- Chính quyền và các cơ quan hữu quan của địa phương phải là “bệ đỡ” cho các điểm đến của du lịch nông thôn về: đầu tư hạ tầng giao thông, dịch vụ công; quy hoạch không gian điểm đến; đào tạo, tập huấn cho người dân địa phương những kiến thức và kỹ năng làm du lịch, phục vụ du khách.
Sau cùng, nên lựa chọn những làng quê có các thế mạnh khác nhau để xây dựng những sản phẩm du lịch nông thôn khác nhau, mang bản sắc riêng của từng địa phương để thu hút du khách, tránh tình trạng các điểm đến đều có nội dung, cách thức hoạt động, sản phẩm du lịch na ná nhau, gây sự nhàm chán cho du khách.
Làm được như vậy, thì du lịch nông thôn ở Quảng Nam mới có thể gặt hái thành công.