Phòng khám Đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn): Loay hoay tìm phương án vận hành
Sau khi kết thúc nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19, Phòng khám Đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc gần như không có người dân đến khám chữa bệnh. Tính toán phương án hoạt động cơ sở này như thế nào để mang lại hiệu quả tốt nhất là điều được đặt ra.
Hoạt động không hiệu quả
Năm 2014, Phòng khám Đa khoa Khu công nghiệp (ĐK KCN) Điện Nam - Điện Ngọc được thành lập theo quyết định của Sở Y tế, trực thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực (ĐKKV) Quảng Nam.
Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 5/2015, Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc có nhiệm vụ thực hiện công tác khám chữa bệnh cho người dân, công nhân khu vực này.
Tháng 3/2020 đến tháng 4/2022, Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc được chỉ định làm khu cách ly F1 và khu điều trị bệnh nhân COVID-19 theo quyết định của UBND tỉnh.
Ngày 16/3/2023, UBND tỉnh có quyết định giải thể cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Sau đó, Sở Y tế có công văn yêu cầu đơn vị này triển khai khám bệnh, chữa bệnh thường quy từ ngày 1/4.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tải - Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam cho biết, ngay khi Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc vận hành, bệnh viện liên tục đầu tư nguồn nhân lực, nguồn tài chính để duy trì hoạt động của phòng khám, nhưng hiệu quả không như mong muốn.
Trong suốt 4 năm vận hành khám chữa bệnh (từ 2015 - 2019), Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc liên tục gặp khó khăn. Theo đại diện Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam, vì cơ sở này nằm gần các cơ sở y tế cùng tuyến, cùng hạng, gần cơ sở chính của bệnh viện nên người dân rất ít đến đây khám chữa bệnh. Chính điều này dẫn đến hoạt động tài chính của phòng khám không đảm bảo được cơ chế tự chủ chi thường xuyên.
“Bệnh viện đã quan tâm đầu tư nhân lực, nguồn tài chính để duy trì hoạt động của phòng khám trong thời gian dài, tuy nhiên vẫn không mang lại hiệu quả, ngày càng tạo thêm gánh nặng, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của bệnh viện trong bối cảnh tự chủ hoàn toàn về tài chính” - ông Nguyễn Tải cho biết.
Đề xuất nhiều phương án
Thay đổi phương thức hoạt động để không lãng phí cơ sở hạ tầng của Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc là yêu cầu cần thiết được đặt ra. Ông Nguyễn Tải cho rằng, nếu cần thiết phải tồn tại để khám chữa bệnh ngoại trú đa khoa thì Sở Y tế phải tập trung chỉ đạo để cơ sở này có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực cũng như quy trình hoạt động chuyên môn theo quy định của Luật Khám chữa bệnh (KCB).
Cụ thể, theo khoản 2 Công văn 5251, Phòng khám ĐKKV là đơn vị trực thuộc Trung tâm Y tế huyện (TTYT). Để phòng khám thực hiện công tác KCB, Sở Y tế cần tập trung đầu tư, nâng cấp thành cơ sở có lưu trú người bệnh, điều trị nội trú và giao về TTYT thị xã Điện Bàn quản lý.
Tuy nhiên, đại diện TTYT thị xã Điện Bàn cho rằng, hiện đơn vị này cũng gặp rất nhiều khó khăn để duy trì phòng khám của trung tâm, bởi số nhân lực, đặc biệt là trung tâm hiện nay không đảm bảo số lượng bác sĩ cơ hữu cần có.
Trong bối cảnh Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa sâu để phát triển kỹ thuật cao và tiến đến xây dựng bệnh viện hạng 1, phương án phát triển Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc thành cơ sở 2 là không khả thi, theo nhìn nhận của vị đại diện bệnh viện này.
Theo đó, bệnh viện đang thiếu hụt về nhân lực, đặc biệt là bác sĩ nên không thể điều động công tác tại phòng khám để thực hiện đầy đủ các chuyên khoa. Mặt khác, việc điều động nhân lực luân phiên hằng ngày sẽ gặp vướng mắc trong việc làm các thủ tục trình Sở Y tế và BHXH.
Chưa kể, hiện nay, bệnh viện đã xây dựng danh mục thuốc và hóa chất năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 dùng cho bệnh viện hạng 2, trong khi phòng khám thuộc tuyến 3, hạng 4 nên không thể sử dụng thuốc của danh mục hạng 2.
Bệnh viện ĐKKV Quảng Nam đề xuất Sở Y tế có thể thành lập bệnh viện trực thuộc Sở Y tế như Bệnh viện Y học lâm sàng nhiệt đới, theo khoản 4, Công văn 5251 của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, tại cuộc làm việc để bàn tính phương án hoạt động cho Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc, nhiều ý kiến cho rằng, để thành lập một bệnh viện mới thì trang thiết bị máy móc cần thiết đều gần như phải đầu tư mới hoàn toàn với số kinh phí rất lớn.
Chưa kể, ở vấn đề quy hoạch, nếu chấp nhận tồn tại mô hình bệnh viện mới thì phải bổ sung quy hoạch. Nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng, nếu thấy không cần thiết phải tồn tại hoặc không đủ các điều kiện của phòng khám đa khoa thì giải thể hoặc chuyển thành mô hình trạm y tế của địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Sở Y tế tính toán khảo sát cụ thể các phương án và có kịch bản cho từng phương án, nếu cần thiết thì thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ giúp việc để có phương án hoạt động hợp lý nhất cho Phòng khám ĐK KCN Điện Nam - Điện Ngọc. Yêu cầu đến cuối tháng 4, Sở Y tế báo cáo trình UBND tỉnh xem xét.