Sáng tạo xuyên biên giới

BẢO ANH 09/04/2023 07:58

Ngoài các vùng đất quê xứ, thỉnh thoảng một số văn nghệ sĩ Quảng Nam lại có những chuyến đi dài để tìm cảm hứng, làm mới và mở rộng không gian sáng tạo cho mình, góp phần thúc đẩy giao lưu, quảng bá và làm cho đời sống văn học nghệ thuật quê nhà thêm phong phú...

Các NSNA Quảng Nam sáng tác ảnh tại biển Vinh Thanh, tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 3/2023. Ảnh: B.A
Các NSNA Quảng Nam sáng tác ảnh tại biển Vinh Thanh, tỉnh Thừa Thiên Huế, tháng 3/2023. Ảnh: B.A

Những chuyến đi xa

Không phải là lần đầu đi tác nghiệp ngoài tỉnh, nhưng trong chuyến đi thực tế sáng tác của Chi hội Nhiếp ảnh Quảng Nam hồi giữa tháng 3 vừa rồi tại Thừa Thiên Huế, nhiều người vẫn không khỏi cảm thấy lạ lẫm, bất ngờ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Dương Phú Tâm, người từng nhiều lần đến chụp ảnh ở vùng đất này, thốt lên: “Mọi thứ thay đổi nhanh quá, lạ đến mức không thể nhận ra được”.

Với văn học, nghệ thuật, chỉ cần chủ thể sáng tạo cảm thấy “lạ” thì sau đó, tỷ lệ thành công của tác phẩm thường khá cao. Ghé bãi biển Vinh Thanh (huyện Phú Vang), hầu hết NSNA tham gia chuyến đi đều chụp được những bức ảnh đẹp.

NSNA Nguyễn Điện Ngọc lý giải: “Tới đây, tự dưng có cảm xúc khác hẳn”. Cuối chuyến đi, các NSNA Quảng Nam còn được trải nghiệm một buổi set-up ghi hình trong khu vực kinh thành Huế cùng với các NSNA Thừa Thiên Huế, để rồi có thêm được những bài học quý về sáng tạo nghệ thuật.

Tìm đến những không gian mới lạ, ngoài bầu sinh quyển nơi mình gắn bó cũng được nhiều văn nghệ sĩ các chuyên ngành khác lựa chọn, để làm mới cảm xúc của mình. Như chuyến đi phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) hay làng bích họa Thanh Thủy (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) của Chi hội Văn học Quảng Nam, là chất xúc tác để sau đó hàng chục bài thơ, bút ký và cả truyện ngắn đã ra đời.

Nhà văn Lê Trâm, người được xem là siêng đi và đi nhiều nơi nhất trong giới cầm bút xứ Quảng, cho biết qua những chuyến đi năng lượng sáng tạo được tăng lên, khơi mở và thôi thúc người cầm bút tiếp tục sáng tạo.

Cũng vậy, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đã từng nhiều lần một mình lặn lội đến nhiều vùng nông thôn khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam để nghiên cứu, khảo tả, ký họa hoa văn, kiến trúc hàng trăm công trình nhà ở dân gian, tháp cổ, đình chùa. Có một số nơi, anh lui tới những 4 - 5 lần, mà theo anh thì “lúc nào cũng thấy mới lạ, đầy cảm xúc và không có chuyến đi nào là thừa, là vô nghĩa”.

Không chỉ ở trong nước, một số văn nghệ sĩ Quảng Nam còn đi thực tế sáng tác cả ở nước ngoài. Ngoài Trung Quốc, NSNA Trần Tấn Vịnh từng đặt chân đến hầu hết các nước trong khối ASEAN. Là nhà nghiên cứu dân tộc học nên khi ra nước ngoài, nơi mà anh đặt chân đến và chụp ảnh không phải là các đô thị sầm uất mà là các xóm làng heo hút, xa trung tâm, nơi còn lưu giữ khá nguyên vẹn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa...

Nhà văn Hồ Duy Lệ từng đến Nhật Bản, “vừa đi vừa viết” ở đó một tuần. Họa sĩ Hồng Vinh từng mang tranh sang Úc triển lãm và lưu lại đấy một thời gian để vẽ. Ngoài Lào và Campuchia, NSNA Mai Thành Chương từng có một chuyến đi hơn nửa tháng đến Myanmar “ba cùng” với người dân sở tại để chụp ảnh.

Nghệ thuật không biên giới

Giữa tháng 10 năm ngoái, tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (đặt tại tỉnh Thái Nguyên), triển lãm ảnh cá nhân mang tên “Sắc màu ASEAN” của NSNA Trần Tấn Vịnh được khai mạc và mở cửa phục vụ người xem trong 10 ngày sau đó.

Đây không phải là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh nhưng là triển lãm đầu tiên mang tầm vóc quốc tế, với 65 tác phẩm - 65 góc nhìn vừa toàn cảnh vừa cận cảnh về văn hóa, đời sống của các quốc gia ASEAN được trưng bày. Qua đó, cho thấy được “chỗ đứng” nghệ thuật cũng như phạm vi, không gian sáng tạo rộng lớn rất đáng nể của một NSNA “tỉnh lẻ”.

Theo NSNA Trần Tấn Vịnh, các tác phẩm trưng bày tại triển lãm này là kết quả của những chuyến đi du lịch, phototour, hội thảo... của anh tại các nước Đông Nam Á. Thông qua ảnh nghệ thuật, anh mong muốn được góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa phong phú, độc đáo, đặc sắc của cộng đồng các quốc gia ASEAN; đồng thời góp phần chứng minh về tính chất xuyên biên giới, không có biên giới của nghệ thuật.

Ngoài NSNA Trần Tấn Vịnh, khi mở rộng không gian sáng tạo và làm mới cảm xúc cho mình qua những chuyến đi ra khỏi quê xứ, nhiều văn nghệ sĩ xứ Quảng đã gặt hái được thành công nhất định.

Với giới nhiếp ảnh, các giải thưởng mà họ giành được từ những tác phẩm được sáng tác ngoài Quảng Nam, theo NSNA Đặng Kế Đông - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh, là “nhiều không kể xiết”. Suốt dọc dài duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên đại ngàn, ra Bắc vào Nam, hầu như ở đâu cũng có dấu ấn của các NSNA xứ Quảng.

Không chỉ ở các cuộc thi cấp địa phương, một số NSNA còn giành được các giải thưởng lớn cấp quốc gia và khu vực bằng tác phẩm được chụp trong những chuyến đi xa ngoài Quảng...

Hay như với người làm âm nhạc, những thành công trong sáng tạo ngoài địa giới Quảng Nam cũng rất đáng kể. Nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải, trong một lần đến Cần Thơ đã viết được ca khúc “Cần Thơ trên bến dưới thuyền” và sau đó đã giành được giải B trong một cuộc thi sáng tác âm nhạc của TP.Cần Thơ.

Nhạc sĩ Phan Văn Minh, trong một lần lạc bước đến Bình Dương, trước những rộn ràng thao thức của vùng đất đầy năng động này, anh viết ca khúc “Bình Dương mùa xuân gọi” và sau đó đã được tỉnh Bình Dương tặng giải C.

Mới đây nhất, tại Cuộc vận động sáng tác ca khúc về đất Tổ Hùng Vương do Sở VH-TT&DL Phú Thọ và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp tổ chức, nhạc sĩ Mạc Ly đã giành được giải ba với ca khúc “Bài ca đất Tổ”.

BẢO ANH