Lên phường, rồi sao nữa?

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 09/04/2023 07:44

Ngày 2/4, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương. 

Nhận định của nhiều nhà quản lý ở địa phương cho rằng, 5 phường được thành lập “kỳ vọng mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, chuyển dịch kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, đặc biệt giúp Điện Bàn hoàn thiện các tiêu chí, tạo điều kiện để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị loại 3 trước năm 2030…”.

Nhớ lại năm 2020, HĐND thị xã Điện Bàn đã thông qua Nghị quyết “Đề án thành lập 5 phường Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh và Điện Phương”.

Đến đầu năm 2021, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc thành lập các phường nói trên thuộc thị xã Điện Bàn. Tại Kỳ họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thành lập 5 phường nói trên.

Với việc thành lập 5 phường mới, đến nay thị xã Điện Bàn có tổng cộng 12 phường và 8 xã nông thôn mới. Kết cấu hạ tầng và cơ cấu kinh tế được coi là yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương.

Theo ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, việc thành lập 5 phường là yêu cầu cấp thiết, đồng thời cũng phù hợp với mục tiêu phát triển chung đô thị Điện Bàn.

Theo chúng tôi, một xã nông nghiệp chuyển đổi thành phường nông nghiệp sau một mô hình “nông thôi mới” ngắn ngủi vẫn là bài toán không đơn giản khi chỉ nói đến đầu tư cho hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Môi trường, không gian sống của cư dân nông nghiệp hiện nay vẫn là một thực tế còn nhiều bức bách.

Trên phạm vi 5 phường vừa kể, tình trạng ô nhiễm và sạt lở của hai con sông Thanh Quýt và Giáp Ba đang là vấn nạn được người dân phản ánh. Việc tồn tại trạm thu phí tại Điện Thắng Bắc (quốc lộ 1) đã tạo ra tình trạng xe cộ tránh thu phí bằng cách chạy vào các đường làng nhỏ hẹp, đông dân cư cũng là câu chuyện cần sớm giải quyết. Các khu đô thị mới được xây dựng cao hơn làng cũ đến 1m bên cạnh gây ngập úng cục bộ vào mùa mưa còn tạo ra ứ đọng và ô nhiễm nhiều ngày…

Đối với “chính quyền đô thị”, hai mô hình đang thí điểm tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (theo 1 cấp và 2 cấp) cũng còn nhiều điều chưa thống nhất, bất hợp lý mà các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng cần có thời gian để kiểm nghiệm thì một chính quyền đô thị cấp thị xã thuộc đô thị loại 4 như thị xã Điện Bàn liệu có nhanh chóng trở thành hiện thực?

Các địa phương nông thôn, nông nghiệp chuyển lên phường đô thị sẽ dần xóa đi nhiều tập quán nghề nghiệp, văn hóa, nên việc bảo tồn cũng cần được đặt ra. Các tập quán canh tác của tiền nhân đã có suốt 500 năm sẽ còn lại gì? Các làng nghề truyền thống tồn tại trong các đô thị đến mức nào?

Để tính toán đường dài cần xây dựng các bảo tàng nghề nông, làm đồ gốm, đúc đồng, giữ lại các kiến trúc cổ, các nhà thờ tộc họ… ở các địa phương đang lên phường. Đây là các công trình bảo lưu văn hóa lịch sử, giáo dục truyền thống, vừa là các địa chỉ quảng bá du lịch cho du khách mai này.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG