"Công viên xanh" cho phố
Chuyển động của phố có lúc từng bào mòn đi những vùng cảnh quan quý giá mà tự nhiên khéo léo sắp đặt. Tái tạo những vùng cảnh quan này về đúng giá trị vốn có giúp điều tiết được nhịp sống của phố xá lẫn thị dân.
Công viên của ký ức
Trên một khúc ruộng dọc sông Cổ Cò đang mùa lõm bõm nước, đã lâu rồi mọi người mới thấy hình ảnh những đàn cò sà xuống nhặt tôm cá. Khung cảnh của ký ức hơn hai chục năm trước như thấp thoáng đâu đây. Những đứa trẻ miền quê như chúng tôi hiếm khi được đến công viên đúng nghĩa.
“Công viên” của những đứa trẻ sinh ra từ làng lúc đó là được mặc sức rong chơi cả ngày trên cánh đồng, rồi đôi hồi lại hè nhau xua đuổi đàn cò khiến chúng thảng thốt sải cánh trắng rợp góc trời.
Cánh ruộng màu mỡ ngày nào bây giờ đã hoang hóa. Miền quê vắng nép mình bên sông đã lên phố lên phường. Trẻ con ở đây phần lớn vùi đầu vào thiết bị công nghệ thay vì tận hưởng cảm giác nô đùa giữa không gian tít tắp chân trời.
“Công viên” của chúng tôi ngày nào đã lùi vào ký ức. Có lẽ, đó cũng là nỗi niềm chung của nhiều người khi những “công viên ký ức” của họ dần bị xé lẻ để phục vụ phát triển đô thị.
Trong lĩnh vực đô thị học và quy hoạch thiết kế đô thị có khái niệm cơ bản về 3 nơi chốn quan trọng nhất với mỗi con người là nhà để nghỉ ngơi; công sở, trường học để làm việc, học tập và các không gian công cộng. Trong số các loại hình không gian công cộng thì công viên là loại hình quan trọng bậc nhất có thể đóng vai trò đa chức năng.
Theo chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều xu hướng mới trong thiết kế công viên. Trong đó việc phát triển công viên tích hợp gắn với các khu ở mới với thiên nhiên phong phú đang được ưa chuộng.
Bởi phương án này bảo tồn được nhiều mảng xanh, mặt nước, khu sinh thái hoang dã. Thị dân ở Quảng Nam hẳn cảm nhận rõ khoảng trống này bởi hệ thống công viên tích hợp được cảnh quan bản địa vẫn là khái niệm xa lạ với phố.
Công viên xanh cho ngày sau
Từ lâu, sông Đầm được ví như “lá phổi xanh” của đô thị tỉnh lỵ. Nhận diện “hơi thở” đô thị sẽ sớm lan tỏa về phía đông như chủ trương phát triển, thời gian qua Tam Kỳ tập trung nhiều nguồn lực để phục hồi hệ sinh thái đất ngập nước này.
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay: “Được sự chấp thuận của tỉnh, Tam Kỳ sẽ thực hiện quy hoạch 1/2.000 đối với 550ha khu vực sông Đầm để hình thành công viên và tiếp đó sẽ đề nghị thành lập khu bảo tồn đất ngập nước tại khu vực này theo tinh thần Nghị định 66 của Chính phủ”.
Một ngày nào đó, sông Đầm không chỉ là điểm đến du lịch, mà còn là một “công viên” khổng lồ để mọi người dã ngoại, cắm trại, trải nghiệm học tập những câu chuyện lý thú ở vùng đất ngập nước này.
Không sở hữu hệ sinh thái đất ngập nước rộng lớn như sông Đầm nhưng Hội An cũng nổi tiếng là miền đất của cồn, bãi. Trên một số cồn, bãi nằm ngay cạnh trung tâm đô thị đã dần hình thành khu nghỉ dưỡng, giải trí. Còn lại, vẫn còn nhiều cồn, bãi heo hút giữa trập trùng sóng nước.
Theo AREP - đơn vị liên danh tư vấn đồ án quy hoạch TP.Hội An đến năm 2035 tầm nhìn 2050, trong chiến lược phát triển sinh thái, thành phố cần hạn chế đô thị hóa, phát triển các hành lang sinh thái kết hợp giáo dục và công viên cảnh quan trên các đảo và bờ sông để làm nổi bật cảnh quan châu thổ độc đáo của Hội An.
Nội dung dự thảo quy hoạch của TP.Hội An cũng xác định phần lớn không gian cồn đảo chưa bị tác động sẽ được tổ chức thành hệ thống công viên và không gian xanh. Chỉ một phần nhỏ của các đảo được phép phát triển du lịch, dịch vụ.
Trong một cuộc họp về công tác quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng yêu cầu các địa phương liên quan cần hình thành một số công viên chuyên đề gắn với cảnh quan tự nhiên ở khu vực ven sông Cổ Cò. Trong đó, chú ý tính toán hài hòa để các công viên này tương thích, chống chịu được với đặc trưng thời tiết, khí hậu.
Đã đến lúc, những nhà quản lý cùng thị dân nhận ra không gian cảnh quan trong ký ức nơi phố thị dần trở nên ít đi. Bảo vệ, tái tạo những phần không gian xanh còn lại là điều phải làm không chỉ phục vụ thị dân mà vì hệ sinh thái của cả đô thị. Để mai này đâu đó dưới bóng phố, thị dân vẫn còn bắt gặp lời thì thầm từ cây, của chim muông ở đó, như vốn đã đi cùng suốt trăm năm…