Truyền thông thay đổi hành vi, thói quen để đảm bảo an toàn thực phẩm
(QNO) - Ngày 7/4, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2066 yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm.
UBND tỉnh cho biết, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra liên tiếp nhiều vụ ngộ độc thực phẩm như vụ ngộ độc tại xã Phước Đức và Phước Kim (Phước Sơn) làm 8 người bị ngộ độc, trong đó có 1 trường hợp tử vong; vụ ngộ độc tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo - cơ sở 2 (thôn Hà An, xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) làm 18 học sinh bị ngộ độc và nhiều ca ngộ độc riêng lẻ được đưa vào cấp cứu tại các cơ sở y tế.
Để chủ động đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng như hiện nay, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể, thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan về ATTP; đặc biệt quán triệt tinh thần Chỉ thị số 17 ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.
Sở Y tế chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP, cung cấp tài liệu truyền thông về ATTP đến các cơ quan, đơn vị. Chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động sẵn sàng phương án tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, điều trị kịp thời người bị ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa tử vong do ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở ngành và địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đối với cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, khu - cụm công nghiệp. Xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm tại các bếp ăn tập thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng phương án điều tra, xử lý khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra. Thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai công tác đảm bảo an ninh, ATTP.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức ATTP cho người dân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen để đảm bảo ATTP trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm, nhất là đối với các loại thực phẩm được chế biến theo phong tục tập quán của địa phương (như cá ủ chua, thịt ủ chua…).