Chống thất thu thuế tài nguyên khoáng sản: Sẽ kiểm soát chặt tại các mỏ
Khai thác tài nguyên khoáng sản được xếp vào một trong những lĩnh vực thất thu ngân sách, nhưng để kiểm soát, thu thuế đạt hiệu quả là chuyện không dễ.
Thất thu
Không xác định hay ước lượng được các con số cụ thể, nhưng trong các báo cáo của ngành tài chính thường niên đều nêu tình trạng thất thu thuế về khoáng sản.
Cơ quan thuế chỉ tính toán được việc thu cấp quyền khai thác khoáng sản theo trữ lượng giấy phép được cấp (chỉ khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm); không thể tính toán được sản lượng thực tế từ khai thác hay vận chuyển, cho dù đã buộc doanh nghiệp lắp đặt, vận hành camera, trạm cân...
Các cuộc theo dõi, thanh tra, kiểm tra giữa cuộc “khủng hoảng” tăng giá và khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường đã bộc lộ nhiều khoảng trống quản lý ở lĩnh vực này.
Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN-MT cho hay, vẫn còn khá nhiều chủ mỏ bán không đúng giá công bố, giá niêm yết, bán hàng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn với giá trị thấp hơn thực tế thanh toán.
Không lưu trữ hay lập chứng từ tài liệu liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng tháng, hàng năm. Không ít doanh nghiệp không lắp camera, trạm cân, không cân khoáng sản đưa ra khỏi khu vực khai thác, kê khai nộp thuế không đúng với sản lượng khai thác thực tế hoặc có thực hiện nhưng chiếu lệ, khó kiểm soát.
Các cuộc họp với sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã từng diễn ra để tìm cách lập lại trật tự khai thác khoáng sản cũng đã chỉ ra có cả hệ thống chính quyền giám sát, nhưng hầu như không thể giám sát được.
Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh nói, chuyện thất thu thuế tài nguyên, khoáng sản đã được nêu lên rất nhiều lần, nhưng vẫn chưa thể xử lý.
Cơ quan thuế đã từng than phiền là các mỏ cát, bến bãi khoáng sản đều có lắp đặt và vận hành camera, trạm cân, nhưng cũng không thể kiểm soát được dữ liệu từ thiết bị doanh nghiệp lắp đặt (cơ quan thuế nắm mật khẩu, liên thông dữ liệu) vì chỉ có thể lưu trữ tối đa 20 ngày. Các hình ảnh camera ghi lại không chứng minh được sản lượng khai thác thực tế tại mỏ hay vận chuyển từ bãi tập kết đến công trình.
Theo tính toán, chỉ dựa vào 46 giấy phép khai thác khoáng sản (cát, đá, đất san lấp) với trữ lượng còn lại gần 32 triệu mét khối, nếu kiểm soát được thì số tiền thu từ khai thác khoáng sản không hề nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho hay, khi cấp giấy phép, cơ quan tài nguyên có công thức, hệ số tính tiền cấp quyền và cơ quan thuế thông báo thu.
Doanh nghiệp mua bán tài nguyên sẽ tính thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, kinh doanh khai thác mỏ. Tuy nhiên, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp không nhiều. Chủ yếu thuế tài nguyên và cấp quyền khai thác mỏ. Thất thu thuế tài nguyên khoáng sản là điều chắc chắn, nhưng không thể tính toán hay ước lượng được cụ thể con số thất thu.
Nhiều biện pháp
Kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản là điều không dễ, nhưng không thể không làm. Ông Nguyễn Văn Tiếp nói, một quy trình giám sát hoạt động sẽ được ban hành. Không đẻ ra thủ tục nhưng khai thác, kinh doanh khoáng sản phải đúng quy định thì sẽ quản được một phần. Từ đó tạo dần ý thức của chủ doanh nghiệp. Ngành thuế đã, đang và sẽ phân tích hồ sơ khai thuế.
Sai hồ sơ hoặc thấy rủi ro trên hồ sơ thuế thì sẽ tiến hành kiểm tra, buộc giải trình bổ sung. Sẽ tiến hành quản lý sản lượng khai thác bằng các camera hiện đại hơn liên thông dữ liệu vừa bảo đảm khai thuế đúng, vừa quản lý được tài nguyên khoáng sản. Các địa phương sẽ phối hợp với ngành thuế để giám sát vị trí đặt camera, trạm cân, có vận hành thường xuyên.
Cục Thuế đã từng có ý định cử người từ các đội thuế phân ra trực đếm xe vào - ra tại các mỏ, bến bãi để kiểm soát sản lượng, nhưng sẽ rất khó vì không thể giám sát 24/24. Nếu lấy số lượng chỉ đếm trên một tuần nhân lên cho tháng hay năm để tính là không hợp lý. Có ý kiến cho rằng tại sao không căn cứ vào trữ lượng cấp phép khai thác để ấn định số thuế luôn để dễ kiểm soát?
Ông Tiếp nói, theo Luật Thuế tài nguyên thì chỉ đánh thuế trên sản lượng khai thác thực tế hay bán ra tại mỏ. Còn giấy phép đã cấp, nhưng doanh nghiệp chưa khai thác thì chưa thể tính thuế được. Tại các bãi trữ cát cũng chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT vì khi đó khoáng sản đã trở thành hàng hóa.
“Việc kiểm soát, chống thất thu này khó. Chỉ có thể làm được mức nào hay mức ấy. Quan trọng là sự đồng hành, vào cuộc của các cơ quan chức năng (công an, quản lý thị trường, thuế, giao thông vận tải...) thì mới có thể ngăn chặn việc thất thoát tài nguyên khoáng sản và thất thu thuế” - ông Tiếp nói.
Không thể để thất thoát tài nguyên và thất thu thuế, chính quyền Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan liên ngành phối hợp lên kế hoạch tranh tra việc chấp hành các quy định về kê khai thuế, xuất hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc mua - bán, xuất - nhập, vận chuyển khoáng sản của các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nói, cơ quan thuế có trách nhiệm giám sát chặt sản lượng khai thác qua hệ thống camera lắp đặt tại các mỏ (điều chỉnh lại quy định lắp đặt, quản lý, lưu trữ dữ liệu khoa học, tránh hình thức).
Lắp đặt đầy đủ trạm cân, hệ thống camera giám sát, đầu ghi dữ liệu có dung lượng đủ lớn, truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng và kiểm tra, rà soát, có quy trình quản lý, vận hành thông suốt. Theo dõi, lập sổ ghi chép số liệu khoáng sản khai thác trong ngày, trong tuần, số liệu xe qua trạm cân và số liệu khoáng sản xuất bán thực tế. Lực lượng quản lý thị trường, công an sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
“Nếu kiểm tra thấy doanh nghiệp vi phạm, sẽ phạt tiền, đình chỉ hoạt động, không xem xét việc gia hạn, thu hồi giấy phép khai thác hoặc tước quyền đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Không thể để tài nguyên khoáng sản thất thoát và thất thu ngân sách” - ông Quang nói.